Nghề gác chắn tàu: Đâu chỉ dành cho đàn ông
(Dân trí) - Khi nhìn qua hầu hết ai cũng cho rằng nghề gác chắn tàu là một công việc hết sức đơn giản và nhàn nhã, nhưng ít ai hiểu được phía sau những rào chắn đó là biết bao những nhọc nhằn và nguy hiểm luôn rình rập. Đối với nam giới nghề này đã là một nghề khó huống chi các chị em phụ nữ, thế nhưng họ đã và đang làm tốt nhiệm vụ của mình.
Công việc chính của những người gác chắn là nghe điện thoại trực ban, đón tàu, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông khi qua điểm giao cắt.
Ghé thăm trạm chắn tàu tại gác chắn Lê Độ (đường ngang Km 790+550) khi đang trò chuyện cùng chúng tôi thì chuông điện thoại reo-âm thanh báo hiệu có tàu sắp đi qua, sau khi nghe điện, chị Phượng nhân viên gác chắn vội vàng cầm cờ, còi để đón tàu.
Khi tín hiệu báo tàu tới reo lên, chị nhanh chóng kéo rào chắn để đón tàu qua và đảm bảo an toàn người tham gia giao thông. Mỗi chuyến tàu qua an toàn, dù trên khuôn mặt đầm đìa mồ hôi nhưng các chị vẫn luôn nở một nụ cười thật tươi.
Chị Phượng tâm sự: “Công việc cũng vất vả nhưng có chị có em nói chuyện cũng vui, thấy thời gian trôi qua nhanh hơn, quên đi hết những mệt mỏi, buồn ngủ”.
Mỗi nhân viên gác chắn phải làm việc theo ban, mỗi ban kéo dài 12 tiếng. Mỗi tháng làm 12 ngày và 12 đêm, khi đã lên ban thì tuyệt đối không được rời trạm gác hoặc ngủ. Hôm nào thiếu nhân viên thì các chị thậm chí phải làm 24 tiếng/ngày. Trung bình một ban các chị đón từ 30 đến 40 chuyến tàu qua. Vào các dịp lễ, tết lượng tàu qua còn tăng hơn bình thường để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Có những người còn rất trẻ, cũng có những người đã có gia đình nhưng họ đều xác định đã theo nghề là hy sinh một phần cuộc sống vì công việc. Vì tính chất công việc nên chị Phượng chỉ đành gửi con cho người quen chăm, hầu như chị không có thời gian trọn vẹn ở bên con.
Trung bình một tháng một nhân viên gác chắn nhận được từ 4 đến 5 triệu đồng. 3 năm một lần những người gác chắn tàu được kiểm tra kiến thức chuyên môn để thi lên bậc, nâng lương.
Đối với họ, những khó khăn của nghề không khiến họ e ngại mà chính ý thức chấp hành luật lệ giao thông, cách cư xử và thái độ của người đi đường.
Khi được hỏi về những khó khăn trong nghề, một nữ nhân viên gác chắn chia sẻ: “Người dân họ không ý thức, mình đã không cho họ qua rồi mà họ cố vượt qua, nhiều khi họ còn đánh nữa. Thời gian đầu nghe cũng bực lắm, mình bảo vệ cho họ mà còn bị la, nhưng sau mình cũng quen”.
Chia tay chị Phượng chúng tôi đến một trạm gác chắn khác gần đấy. Chị Tuyền đã gắn bó với nghề gác chắn 13 năm, tâm sự với chúng tôi: “Giờ tàu chạy không cố định, có hôm chạy vào ban đêm nên những người đứng gác như chị phải tập trung cao độ, không được lơ là. Nhiều khi đang ăn dở chén cơm các chị cũng phải đứng lên chắn gác để tàu đi qua an toàn. Những bữa ăn của mình chỉ là những bữa ăn tạm cho xong, tàu nhiều cũng không có thời gian nấu đâu”, chị Tuyền lắc đầu cười.
Khi được hỏi về thời gian nghỉ ngơi, chị Tuyền tâm sự thêm: “Nghề này thì làm gì có thời gian nghỉ ngơi, nhiều khi mệt muốn ngủ nhưng không được phép ngủ, mình phải luôn túc trực tàu qua để tránh tai nạn xảy ra, rồi cũng quen dần”.
Mong muốn lớn nhất của các chị là người đi đường có ý thức hơn, không cố vượt rào chắn để các chị hoàn thành được trách nhiệm của mình, đảm bảo an toàn đường sắt. Với các chị mỗi đoàn tàu an toàn đi qua đã là niềm vui vô giá đối với họ-những người “bảo đảm tính mạng cho người khác”.
Không quản ngại nắng mưa, gió rét, ngày đêm những “đóa hồng” trên gác chắn vẫn ngày đêm lặng lẽ mang lại sự bình yên cho những chuyến tàu,đảm bảo an toàn cho người đi đường mỗi chuyến tàu qua. Ngày qua ngày, những chuyến tàu vẫn cứ thế trôi qua và họ-những người phụ nữ gác tàu vẫn luôn lặng lẽ, khiêm nhường như chính công việc mà họ đang gắn bó.
Thu Hiền