1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện Hiếu “Mường” bỏ phố lên rừng

(Dân trí) - Là một hoạ sĩ sống ổn nhờ tranh, công tác ổn định ở một tờ báo, vợ con nhà cửa đàng hoàng; những tưởng cuộc sống yên ấm giữa lòng Thủ đô như thế là quá đủ. Nhưng Vũ Đức Hiếu lại quyết định bỏ lên núi dựng “sơn trại”. Thành quả của Hiếu “dở người” là khuôn viên khu nhà ở người Mường đang dần hình thành giữa một vùng rừng núi rộng 2ha.

Bỏ nghề báo

 

Hiếu hẹn tôi ở Vũ Gia Sử Quán, một quán cà phê nằm sâu trong ngõ nhỏ ở phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình. Anh mở quán này trên phần đất của bố mẹ được hơn năm nay. Quán có nhà sàn, suối nước, những túm ngô buộc thành dây dài một cách đầy sắp đặt, những chum rượu đặt ở những vị trí chủ ý, những chiếc đèn lồng đỏ treo tòn teng trước hiên nhà...

 

“Tôi gốc gác ở Vụ Bản, Nam Định, sinh ra tại Hà Nội, lớn lên và trưởng thành trên đất Mường Hòa Bình. Năm 2000, đỗ thủ khoa Khoa Công nghiệp thuỷ tinh - Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 2001 tốt nghiệp Khoa lý luận và lịch sử mỹ thuật. Từ năm 2001 đến nay làm tạp chí Văn nghệ công nhân, từng mở phòng trưng bày các tác phẩm hội hoạ tại Thủ đô Hà Nội, đã tham gia trưng bày tác phẩm tại Anh, Singapore, Hồng Kông, cũng có vài đầu sách viết chung với mấy người khác”, Hiếu vắn tắt.

 

Hiếu theo nghề báo được mấy năm. Anh bảo: “Nghề báo hay lắm, đúng sở trường thích đi đây đó của tôi, nhưng nói thật, nghề vẽ mới là nghề giúp tôi kiếm sống. Tôi vốn là một hoạ sĩ. Đi nhiều, vẽ nhiều. Nghề báo phóng khoáng lắm, nhưng ông làm nghề, ông biết! Nghề báo tưởng tự do, nhưng luôn có những nét gò bó, chưa kể sức ép thì rất lớn”.

 

Từ độ bắt tay làm bảo tàng (đầu năm 2007) thì anh quyết định xa hẳn nghề báo, chú tâm vào cái thú chơi đầy nghệ sĩ và cũng không kém phần tốn kém này. Anh đã thoả mãn được tâm nguyện bấy nay: Lập một bảo tàng thu gom đầy đủ hiện vật anh cóp nhặt từ hàng chục năm nay về văn hoá Mường.

 

Mở bảo tàng tư nhân

 

Khu Bảo tàng văn hoá Mường dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 10/2007. Khu bảo tàng rộng 2ha, địa chỉ tại tổ 12, phường Thái Bình, TP Hoà Bình. Nghe địa chỉ thì có vẻ phố lắm, nhưng kỳ thực chỗ đó toàn đồi núi, cách thành phố dễ đến gần chục cây số.

 

Chuyện Hiếu “Mường” bỏ phố lên rừng - 1
 

Những hiện vật sẽ xuất hiện trong bảo tàng

của Hiếu "Mường".

 

Hiếu kể, những ngày lang thang khắp xứ Bi, Vang, Thàng, Động (4 xứ Mường nổi tiếng Hoà Bình khi xưa), cái gì cũng thấy hay, thấy lạ. Nhiều đêm ngủ ở bản, uống rượu cần, ăn cỗ lá, nghe những ông bố, bà mế kể lại tích “Đẻ đất, đẻ nước”, anh rất ấn tượng với gốc gác của người Việt cổ. Tham dự các lễ hội “Khai hạ”, “Khuống mùa”… lại càng thấy rõ hơn những nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa Mường. Người Mường hiếu khách và khéo tay. Ẩm thực Mường phong phú…

 

Nhưng cuộc sống hiện đại với sự xô bồ mà chúng ta vẫn gọi là “hiện đại hoá”, thật tiếc, đang giết chết dần mòn những nét văn hóa đậm đà bản sắc ấy. Nếu không ai lưu giữ lại thì một ngày nào đó, sẽ chẳng còn gì. Từ tò mò, rồi ham mê, anh đã nung nấu ý tưởng xây dựng “Bảo tàng văn hóa Mường”.

 

Thủ tục xin mở bảo tàng rất khó. Vì là người đầu tiên, nên từng khâu anh đều phải hỏi, phải nhờ người tư vấn. Ngoài đơn xin lập bảo tàng, bản vẽ kiến trúc mặt bằng phối cảnh, thì việc kê khai danh sách đăng ký hiện vật là mất thời gian nhất.

 

Không gì cao sang cả, đó là những công cụ sản xuất, săn bắn dưới ruộng, trên nương. Sản phẩm và công cụ của các nghề thủ công truyền thống như dệt, đan lát. Vật dụng, trang phục, nhạc cụ dùng trong các lễ hội, các trò chơi dân gian và hoạt động tín ngưỡng tâm linh như ma chay, mo, cưới xin…

 

Hiếu nói: “Tôi đã đến bảo tàng tỉnh Hoà Bình nhiều lần. Ở đó họ có rất nhiều đồ khai quật qua các niên đại, nhưng đồ dùng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày thì hầu như không được chú trọng. Tôi có nhiều đồ mà Bảo tàng Hoà Bình không có”.

 

Ban đầu nhiều người can ngăn, cho Hiếu là rồ, là dở, rằng thừa hơi hay sao mà lôi về toàn những thứ chổi cùn rế rách, chất đống trong nhà. Không giải thích, anh chỉ lặng lẽ thoả mãn ý thích của mình. Cứ cắm cúi sưu tầm, gom nhặt, ghi chép, cất giữ. Sau gần 10 năm, số lượng hiện vật đã lên tới cả nghìn thứ.

 

Sẽ không thương mại hoá

 

Hiếu đưa tôi lên khu bảo tàng đang trong giai đoạn gấp rút thi công. Anh chỉ tay: “Ba nếp nhà sàn kia, tôi sẽ làm sống dậy các giai cấp trong xã hội người Mường khi xưa: Nhà Lang là cao sang nhất; dưới Lang là Ậu, tầng lớp trung lưu; và cuối cùng, dân đen gọi là Nõ”.

 

Ngồi trong ngôi nhà Lang, anh khoe: “Đây là ngôi nhà sàn mua lại đúng của con cháu nhà Lang. Bà cụ đã 108 tuổi, mà ngôi nhà đã có từ 4-5 đời trước. Tuổi đời của nó phải đến 300 năm rồi!”.

 

Mỗi cái giỏ, cái khung dệt, từng cây nỏ, tấm khăn thổ cẩm... là cả câu chuyện dài về những ngày anh lang thang điền dã khắp chốn cùng nơi. Những cảnh đói rét tím tái, cảnh nằn nì mua lại cái cào cỏ, cái bồ ổ của người dân... anh đều trải qua hết. Hiếu kể, có lần anh bị lực lượng công an, dân phòng vây bắt; hàng chục người công lực đứng ở quốc lộ 6, đoạn qua Mai Châu, lao tới vây bắt anh vì họ nghi anh vận chuyển ma tuý.

 

Bảo tàng khi hoạt động chắc chắn sẽ không thu phí, nhưng cũng phải cân nhắc nguồn để nuôi nó! Có thể Hiếu sẽ tìm đến một tổ chức nghiên cứu văn hoá nước ngoài nào đó, hoặc xin làm một chi nhánh của Bảo tàng Dân tộc học. “Tôi nghĩ rằng việc làm này rất tốt cho văn hoá. Những nét văn hoá đặc trưng cho các dân tộc sẽ được lưu giữ tốt hơn”.

 

Trời đổ mưa. Mưa sơn cước rào rào, rầm rập tuôn xuống mái lá. Bếp lửa ở góc ngôi nhà sàn âm ỉ cháy, vài sợi khói bốc lên xua tan cái hoang lạnh chốn núi rừng. Ngôi nhà sàn đầy đủ các vật dụng hàng ngày của người Mường, tưởng như chúng tôi đang sống trong một xã hội Mường thật sự, một thế giới không chút hào nhoáng của đèn điện, ti vi, những vật dụng sinh hoạt tân kỳ...

 

Thế giới tưởng như tẻ nhạt, chỉ có những đồ đan lát, thêu dệt, săn bắn vẫn làm người ta đổ công sức, tiền bạc cả chục năm tìm kiếm, sưu tập...

 

Bảo Trung
Hoà Bình tháng 7/2007