Chuyên gia quy hoạch đô thị hiến kế xóa kẹt xe ở Hàng Xanh
(Dân trí) - "Xây cầu vượt, mở rộng đường chỉ là giải pháp tình thế, chỉ giải quyết kẹt xe trong giai đoạn ngắn. Nếu không có giải pháp tốt hơn, sẽ kẹt xe lại như cũ", kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.
Trước tình trạng khu vực ngã tư Hàng Xanh, xung quanh Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh (TPHCM), xảy ra kẹt xe ngày càng nghiêm trọng do lượng xe cộ qua đây quá lớn, trong khi mặt đường không đáp ứng đủ, các chuyên gia quy hoạch đô thị đã đưa ra những giải pháp.
Cần giải pháp tổng thể cả khu vực
Trao đổi với phóng viên Dân trí, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết, áp lực giao thông khu vực ngã tư Hàng Xanh đang rất lớn khi một bên là tuyến ra xa lộ Hà Nội, một bên là quốc lộ 13 nối vào.
Lúc trước, thành phố làm cầu vượt ngã tư Hàng Xanh chỉ là giải pháp tình thế. Khu vực này cần quy hoạch một cách bài bản vì đây là nút giao thông quan trọng, không gian phải rộng để hấp thu xe từ các phía.
Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia cho rằng thành phố không nên chỉ nhìn vào riêng khu vực ngã tư Hàng Xanh, mà phải xem xét tổng thể giao thông trên tuyến xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13, rồi tính đến giải pháp tăng thêm diện tích cho giao thông. Nhu cầu giao thông lớn, nhưng diện tích cho giao thông không đủ, dẫn đến kẹt xe.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, đề xuất xây đường trên cao từ quốc lộ 13 vào trung tâm chỉ giúp giảm một phần kẹt xe và chỉ là giải pháp tình thế, chứ không phải giải pháp căn cơ. Giải pháp chính là phải có bổ sung thêm những tuyến giao thông, giải tỏa bớt lưu lượng xe tập trung vào một chỗ.
Thành phố đang có quy hoạch khu bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Nếu xây cầu từ bán đảo bắc qua không gian lân cận như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, phường Linh Đông (TP Thủ Đức), sẽ giúp giảm tải giao thông. Thành phố cần giải pháp tổng thể cả khu vực chứ không chỉ nhắm vào ngã tư Hàng Xanh. Sâu xa, thành phố cần tập trung phát triển giao thông công cộng.
"Tôi rất kỳ vọng tuyến metro đô thị số 1. Khi đưa vào hoạt động, tuyến này sẽ góp phần giảm áp lực giao thông ở khu vực ngã tư Hàng Xanh. Tức là một lượng lớn người dân sẽ dùng metro, xe buýt và giảm xe cá nhân, giảm áp lực", ông Sơn nói.
Theo vị kiến trúc sư, ngã tư Hàng Xanh là khu vực nóng kẹt xe và cần giải pháp dài hạn. Giải pháp ngắn hạn chỉ hiệu quả một lúc rồi kẹt xe lại như cũ. Nếu mở rộng đường sẽ hiệu quả trong một thời gian rồi kẹt xe trở lại, cốt lõi vẫn là giao thông công cộng.
Khu này đang kẹt xe, người dân biết điều đó, sẽ đi đường khác. Khi mở rộng đường, họ biết đường thông sẽ trở lại và đi như cũ, tiếp tục kẹt xe. Thành phố cần giải quyết làm sao diện tích giao thông phải tương xứng với nhu cầu; phát triển giao thông công cộng để người dân giảm đi xe cá nhân.
"Xây cầu vượt, mở rộng đường chỉ là giải pháp tình thế. Nó chỉ giải quyết kẹt xe trong giai đoạn ngắn, cho mình thêm thời gian tìm cách xử lý. Nếu chúng ta không có giải pháp tốt hơn, sẽ kẹt xe lại như cũ", kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.
Quan sát luồng giao thông
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết, đối với một khu vực xảy ra kẹt xe, cần xác định chính xác nguyên nhân. Sau đó, ta nhận định nguyên nhân nào có thể khắc phục, nguyên nhân nào chưa thể khắc phục và nguyên nhân không thể khắc phục, mới đưa ra giải pháp được.
Theo ông Nguyên, khu vực ngã tư Hàng Xanh kẹt xe từ lâu chứ không phải mới đây. Nguyên nhân kẹt xe do nơi này là cửa ngõ Đông Bắc của thành phố. Người dân ở khu vực các quận trung tâm như: 1, 3, 5,… muốn đi về phía miền Đông, phải qua ngã tư Hàng Xanh.
Các cơ quan chuyên môn nên quan sát về luồng giao thông, đếm số người và phương tiện, xác định xe cộ đi về hướng nào nhiều hơn, hướng nào ít hơn. Từ đó, biết được nhu cầu giao thương giữa các khu vực để tìm cách giải quyết. Mật độ xe nhiều, khả năng xảy ra ùn tắc sẽ lớn.
Ngã tư Hàng Xanh hướng về phía Điện Biên Phủ có đường rộng, đỡ kẹt xe, nhưng hướng về Xô Viết Nghệ Tĩnh, cầu Bình Triệu, đường còn hẹp nên ùn tắc là điều không thể tránh khỏi. Việc phân bố diện tích đường không đủ khiến khu vực này thường xuyên bị ùn tắc.
Chuyên gia quy hoạch phát triển đô thị cho biết, làm thế nào để xe cộ về hướng miền Đông ít đi, đó là giải pháp không làm được. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hẹp, các ngành chức năng cần nghiên cứu xem mở rộng ra được không?
"Trước đây, chúng ta làm cầu vượt Hàng Xanh, nhưng một thời gian sau vẫn kẹt là do xe cá nhân tăng nhanh hơn hạ tầng cơ sở. Bây giờ, giảm xe cá nhân thì không được. Vậy, một câu hỏi đặt ra, ngã tư Hàng Xanh còn kẹt, chúng ta cần đặt câu hỏi cầu vượt Hàng Xanh làm thêm được một tầng nữa không?", ông Nguyên đề xuất hướng nghiên cứu.
Theo ông Nguyên, thành phố đề xuất xây đường trên cao ở khu vực để giảm kẹt xe là có cơ sở. Công nghệ xây dựng nước ta làm được, nhưng vấn đề có kinh phí để thực hiện hay không. Ở Thái Lan có đường trên cao nối từ sân bay về thủ đô rất dài, hiện đại. Nếu TPHCM làm được tương tự thì rất tốt.
Bên cạnh đó, ông Võ Kim Cương, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, nhận định 3 nguyên nhân chủ yếu gây kẹt xe là do thiếu đường, ý thức giao thông và hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Các ngành chức năng cần xem luồng tuyến, mặt cắt ngang đường ở ngã tư Hàng Xanh có đủ cho lưu lượng xe qua lại, và phải tìm chính xác nguyên nhân thì mới có giải pháp hiệu quả.
Trước đây, khu vực này có phương án làm cầu vượt bắc từ Xô Viết Nghệ Tĩnh qua ngã 5 Đài Liệt Sỹ để giúp xe thoát nhanh qua khu vực. Giải pháp này thực hiện được, nhưng áp lực giải tỏa mặt bằng lớn, khó khăn về tài chính.
Theo ông Võ Kim Cương, thành phố có thể cân nhắc làm hầm chui qua khu vực ngã 5 Đài Liệt Sỹ, thay cho cầu vượt, chứ không còn cách nào khác.
"Tôi thấy làm hầm chui khả thi hơn vì thu hẹp diện tích giải phóng mặt bằng. Thành phố muốn làm cầu vượt phải giải tỏa mặt bằng lên đến 24-25m theo tiêu chuẩn của Cục Đường bộ, chi phí đền bù lớn, trong khi ngân sách đang khó khăn", ông Cương nói.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM cũng đề xuất, thành phố cần nghiên cứu mở các tuyến đường khác để chia bớt lượng xe đi vào nút giao ngã 5 Đài Liệt Sỹ, đồng thời mở các đường tránh dành riêng cho xe máy sẽ giúp giao thông qua khu vực ngã tư Hàng Xanh đỡ áp lực hơn.