Chuyên gia nói gì về đợt hạn, mặn khốc liệt nhất trong 100 năm qua?
(Dân trí) - “Trong tương lai vùng ĐBSCL sẽ phải hứng chịu tác động ngày càng nặng nề. Đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập mặn, đất thiếu phù sa hoặc là bị ngập lụt nghiêm trọng vào mùa mưa do thủy điện thượng nguồn đồng loạt xả nước… Tất cả đều có thể sẽ diễn ra. Và khi đó, “vựa lúa lớn nhất nước” bị đe dọa trực tiếp!”.
"Sợ rằng còn những diễn biến không hình dung được..."
Theo đánh giá của giới khoa học thì đợt hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua.
Trong chuyến đi khảo sát về tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã thốt lên rằng: “Đây là trận thiên tai nghiêm trọng, gần 100 năm mới có một lần. Tôi còn sợ có những diễn biến mà không ai trong chúng ta hình dung được”.
Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, vụ lúa đông xuân toàn vùng ĐBSCL có 1.550.000 ha, trong đó có 8 tỉnh ven biển bị xâm nhập mặn gay gắt. Số diện tích lúa đông xuân có nguy cơ bị xâm nhập mặn là 340.000 ha, còn diện tích đã bị ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn là 124.000 ha.
Trao đổi với PV Dân trí xung quanh vấn đề này, GS.TSKH Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường - cho biết, nguyên nhân của đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng đang diễn ra tại vùng ĐBSCL là do hiện tượng El Nino kéo dài từ năm 2015 đến nay.
Ở thời điểm hiện tại, miền Nam đang trong giai đoạn cao điểm của El Nino, tức cao điểm của nắng nóng, hạn hán.
Ở thời điểm hiện tại, miền Nam đang trong giai đoạn cao điểm của El Nino, tức cao điểm của nắng nóng, hạn hán. Mùa này, nước thượng nguồn sông Mê Kông lại đổ về rất ít do bị ngăn cản bởi hàng loạt các công trình thủy điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Vì thế nước không đủ để có thể đẩy mặn ra biển được. Hậu quả là vùng ĐBSCL bị mặn xâm nhập.
Theo đánh giá của GS Lê Huy Bá, mặn sẽ còn tiếp tục xâm nhập vào sâu trong đồng bằng trước khi kết thúc. Đặc biệt khi mặn xâm nhập vào những cánh đồng rộng lớn ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) thì sẽ bị giữ lại ở đó chứ không được rửa đi do đây vốn là vùng trũng. Mặt khác, đây còn là một vùng đất nhiều phèn nên người dân vùng này sẽ bị tác động nặng nề của mặn và phèn trong giai đoạn này.
Về thiệt hại khủng khiếp do tình trạng ngập mặn gây ra hiện nay, GS Lê Huy Bá cho rằng: “Chúng ta chưa có khả năng chung sống với biến đổi khí hậu. Những giải pháp hiện tại như đắp đê bao ngăn mặn, đào vét kênh để giữ ngọt cũng chỉ là những giải pháp mang tính tức thời mà thôi”.
“Vựa lúa lớn nhất nước” đang bị đe dọa trực tiếp
GS Lê Huy Bá nhấn mạnh, đối với những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, con người chỉ có một cách duy nhất là phải tìm cách “chung sống”, thích nghi chứ không thể nào chống lại hay tránh né được.
Ông nói: “Theo kịch bản diễn biến của biến đổi khí hậu và tình hình phát triển thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mê Kông thì trong tương lai vùng ĐBSCL sẽ phải hứng chịu tác động ngày càng nặng nề. Đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập mặn, đất thiếu phù sa hoặc là bị ngập lụt nghiêm trọng vào mùa mưa do thủy điện thượng nguồn đồng loạt xả nước… Tất cả đều có thể sẽ diễn ra. Và khi đó, “vựa lúa lớn nhất nước” bị đe dọa trực tiếp!”.
Trong thực tế thì sự đe dọa này đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong vụ lúa Đông Xuân này. Hàng chục nghìn ha lúa cháy khô vì hạn hán và mặn xâm nhập. Nước mắt nông dân đã rơi trên cánh đồng của mình khi hạt mầm xuống nhưng không thể thu hoạch về. Họ mất trắng cả một vụ mùa!
“Đối với vùng ĐBSCL ở hiện tại và tương lai thì không nên nghĩ mãi về “vựa lúa Việt Nam” nữa mà thay vào đó phải khẩn trương chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng phù hợp!”, GS Bá trăn trở.
Ông nói: “Cụ thể, đối với trồng trọt thì phải tìm những giống chịu mặn, chịu phèn. Song song đó là tích cực chuyển đổi sang nuôi thủy sản trên từng khu vực có điều kiện sinh thái phù hợp”.
“Tôi kiến nghị là dần dần thu hẹp diện tích trồng lúa, chỉ trồng trên những cánh đồng thuộc dạng “bờ xôi ruộng mật” thôi, tức là có khả năng cho năng suất cao nhất. Chúng ta làm sao phải đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực quốc gia nhưng không thể ôm mộng làm giàu từ trồng lúa được. Đối với những khu vực đang và sẽ trực tiếp chịu tác động của biến đổi khí hậu, bị khô hạn hay xâm nhập mặn thì không trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng giống cây khác; thậm chí làm đồng cỏ nuôi bò, trồng cây thuốc hoặc phát triển công nghiệp chẳng hạn…” – GS Bá chia sẻ.
Lê Nhiên