Thủ tướng: Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc ứng phó hạn, mặn
(Dân trí) - Phát biểu tại cuộc họp về công tác phòng, chống xâm nhập mặn ở các tỉnh, thành ĐBSCL sáng nay 7/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng nhân dân ứng phó thiên tai.
Khoanh nợ cho dân bị thiệt hại do hạn, mặn
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, là vị trí chiến lược, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này đang bị thiên tai rất nghiêm trọng và còn diễn biến phức tạp. Vì vậy cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng nhân dân ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
“Chính quyền địa phương tìm mọi cách hạn chế nhiều nhất những khó khăn vất vả của đồng bào ta, chúng ta phải cấp thiết tìm mọi cách cung cấp nước ngọt hợp vệ sinh cho dân. Bảo vệ diện tích lúa đông xuân đang còn trên đồng, bảo vệ vườn cây ăn trái cho dân. Hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi thủy sản ứng phó với dịch bệnh phát sinh trong điều kiện nắng hạn, độ mặn tăng cao. Đồng thời chúng ta tập trung ngăn mặn, giữ ngọt chống sạt lở ở biển Tây và biển Đông”- Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao có công hàm đề nghị phía Trung Quốc xả nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước ngọt cho vùng ĐBSCL trong thời gian khô hạn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các địa phương nhanh chóng cấp kinh phí để thực hiện những công trình cấp bách ứng phó thiên tai, hỗ trợ người dân bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn. “Ngân hàng nhà nước khoanh nợ cho người dân đối với diện tích thiệt hại và cho vay mới ngay để khôi phục sản xuất, còn chuyện xem xét xóa nợ thì sau này sẽ tính tiếp, sao cho đúng đối tượng. Đây là việc cấp bách, tôi yêu cầu phải làm. Thứ hai là làm sao cho bà con vay ngay để có vốn sản xuất các vụ tiếp theo. Thứ ba là ngân hàng chính sách xã hội phát huy trách nhiệm trong lúc này đối với các đối tượng nghèo”- Thủ tướng chỉ đạo cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ NN&PTNT kết hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với địa phương rà soát quy hoạch lại hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi tổng thể của cả vùng; xác định các dự án cấp bách để có hướng đầu tư xây dựng.
“Từng tỉnh phải tính lại, quy hoạch lại việc cấp nước ngọt cung cấp cho dân. Ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ODA, luôn ưu tiên cho thủy lợi ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chúng ta phải làm hết sức mình, có giải pháp thích ứng thiên tai thật căn cơ, giảm bớt khó khăn cho dân”- Thủ tướng nói.
Hạn, mặn không phải là câu chuyện nhất thời
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đến ngày 7/3, diện tích lúa thiệt hại gần 139.000 ha. Trong đó 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất (chiếm 62%), 43.000 ha thiệt hại từ 30-70% năng suất (chiếm 31%) và 9.800 ha thiệt hại dưới 30% năng suất (chiếm 7%). Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Bến Tre. Hiện toàn vùng ĐBSCL có 155.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.
“Hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay không phải là câu chuyện nhất thời. Những gì chứng kiến là dấu hiệu biến đổi khí hậu lớn hơn. Sự đe dọa với ĐBSCL là nghiệm trọng và nghiêm trọng hơn dự báo. Những gì chúng ta thấy hôm nay sẽ lặp lại nghiêm trọng hơn. Ứng phó với nó phải tính đến câu chuyện dài hạn hơn, để đảm bảo đời sống người dân và kinh tế ĐBSCL“ – Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2015-2016 là năm có mặn xâm nhập sớm, sâu và khả năng kéo dài. Các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nước ngọt trên sông. Hiện nay dòng chảy thượng lưu sông Mekong về đồng bằng đang diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu.
Ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre nói: "Tỉnh tôi có 165 xã phường thì bây giờ còn lại 4 xã của huyện Chợ Lách chưa bị mặn tấn công. Hơn 90% diện tích lúa đông xuân mất trắng. Nhiều nơi không có cỏ, rơm cho trâu bò ăn nên người dân phải bán với giá rẻ, mỗi con trâu, bò lỗ đến 10 triệu đồng. Nước ngọt sinh hoạt thiếu trầm trọng, thời gian qua phải điều động xe bồn, xe của cảnh sát phòng cháy chữa cháy chở nước cung cấp cho bệnh viện, trường học... còn tiền tính sau.
Ở Bến tre nguồn nước đã bị nhiễm phèn, mặn, thậm chí là đắng hết rồi. Chúng tôi đang tính khoan nước tầng nông, khoảng 7 - 8m để chia sẻ thêm nước cho người dân. Hiện nay một số nơi đang dùng vải nhựa để trải xuống ao giữ nước mưa. Sắp tới sẽ tiến hành xây dựng các điểm trữ nước ngọt, hỗ trợ người dân các vùng ven biển các dụng cụ chứa nước trong nhà”.
Phạm Tâm