1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chuyên gia nói gì về động đất liên tiếp chưa từng có trong lịch sử Kon Tum?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay, khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) và lân cận đã ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ Richter trở lên.

Sáng 19/4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tổ chức cuộc họp khẩn cấp cùng các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để bàn phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất liên tiếp chưa từng có trong lịch sử trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam) cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và vùng lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ Richter. Trong đó, trận lớn nhất được ghi nhận tại đây vào năm 1937 là 3,9 độ Richter, trận nhỏ hơn vào năm 2015 là 3,0 độ Richter.

Chuyên gia nói gì về động đất liên tiếp chưa từng có trong lịch sử Kon Tum? - 1

Ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu thông tin tại cuộc họp. (Ảnh: V.N.).

Thời gian gần đây, từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và vùng lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Cụ thể, trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay, khu vực này đã ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ Richter trở lên.

Đặc biệt, trong 4 ngày qua, từ 15 - 18/4 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn từ 2.5 - 4.5 độ Richter.

Như vậy, các trận động đất gần đây lớn hơn so với lịch sử và tần suất ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, số trận động đất trong một năm qua tăng gấp 5 lần so với hơn 100 năm cộng lại.

Theo ông Xuân Anh, nếu là động đất kiến tạo, nguyên nhân là do tích lũy năng lượng dẫn đến động đất; còn với động đất kích thích, thông thường do một tác nhân nào đó như đập thủy điện có thể kích hoạt động đất sớm hơn. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.

"Theo nhận định sơ bộ của chúng tôi, tháng 3/2021, thủy điện Kon Tum có tích nước, sau đấy liên tiếp xảy ra các trận động đất. Đánh giá sơ bộ khả năng liên quan đến động đất, giống như ở thủy điện Sông Tranh 2", ông Xuân Anh thông tin.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Viện Vật lý địa cầu cho biết đã triển khai 3 trạm quan trắc khu vực có thể quan sát hoạt động động đất tốt hơn; đồng thời tiến hành nghiên cứu đứt gãy ở khu vực và liên quan tích lũy nước ở các hồ.

Theo Chủ tịch xã Măng Bút (huyện Kon Plông, Kon Tum), từ ngày 15/4 đến nay trên địa bàn xã xảy ra nhiều lần rung chấn, trận rung chấn mạnh nhất diễn ra vào trưa 18/4 với độ lớn là 4,5 độ Richter (rung lắc cực mạnh), thời gian kéo dài 15 giây.

"Đến bây giờ chúng tôi thống kê chưa có thiệt hại về người và tài sản, nhưng khiến người dân hoang mang", Chủ tịch xã Măng Bút nói.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu từ các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan, kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đề nghị các cơ quan có liên quan tăng cường theo dõi tình hình diễn biến của động đất, rà soát lại hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần.

Chuyên gia nói gì về động đất liên tiếp chưa từng có trong lịch sử Kon Tum? - 2

Ông Trần Quang Hoài phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: N.H.).

Ông Hoài còn đề nghị các cơ quan tăng cường theo dõi giám sát và triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình. Đề nghị UBND tỉnh Kon Tum thông báo toàn bộ thông tin về thủy điện, thủy lợi... để người dân chủ động nắm bắt thông tin, tránh hoang mang, thậm chí là hoảng loạn khi để kẻ xấu lợi dụng như tại Sông Tranh 2 đã từng xảy ra.

"Đề nghị không tích thêm nước tại hồ thủy điện Kon Tum, vì hoàn toàn có thể có mưa trái mùa... Phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, có trực ban và theo dõi giám sát thường xuyên các hồ chứa thủy lợi, để kịp thời ứng phó. Đề nghị Viện Vật lý địa cầu sớm có báo cáo tổng thể để các cơ quan có liên quan sớm có phương án ứng phó lâu dài", ông Hoài nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm