Chuyên gia lo lắng kênh đào Phù Nam Techo có thể 'rút" mất 50% lượng nước về miền Tây
(Dân trí) - Thông tin được Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, đưa ra tại Hội nghị tham vấn về đề xuất Dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia tổ chức tại Cần Thơ ngày 23/4.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, những thông tin về dự án này hiện còn khá mơ hồ. Báo cáo của Ủy ban sông Mê Kông quốc gia Campuchia (CNMC) chỉ đề cập đến chức năng của kênh Phù Nam Techo như một thủy lộ hay kênh giao thông thủy; chưa rõ có phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, lấy nước sinh hoạt hay không và nếu có thì mức độ khai thác thế nào.
"Với những số liệu CNMC cung cấp, nếu tính đầy đủ, thêm lượng nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, đô thị từ dự án 1,7 tỷ USD này thì nước trên sông Tiền và sông Hậu về đến Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ giảm khoảng 50%. Những năm khô hạn thì sự thiếu hụt nước sẽ trầm trọng hơn", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng bày tỏ lo ngại, kênh đào này tiềm ẩn nhiều tác động tới hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học
Cụ thể, vào mùa mưa, đường đắp bờ hai bên kênh thành đường giao thông sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ (lũ trên sông Me Kông là lũ tràn đồng). Như vậy, đặc điểm phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng, phía bắc của kênh diện tích ngập sẽ gia tăng lên, trong khi phần đất phía nam và vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên sẽ giảm lũ, từ đó làm giảm nguồn cá, phù sa và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học....
Ông Đặng Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự án này được dự kiến có tốc độ triển khai rất nhanh, chỉ ít năm tới sẽ đưa vào vận hành khai thác. "Đó là lý do cần sớm có kết quả đánh giá tác động chính thức, đưa vào trong các nghiên cứu lập quy hoạch, kế hoạch.
Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay tuyến Phù Nam Techo đi theo cao độ địa hình từ 6m đến 10m nhưng hướng dốc từ phía kênh về biên giới Việt Nam độ khoảng 2-4m, độ dốc lý tưởng để tưới từ kênh đào này về Việt Nam, trong phạm vi ước tính khoảng 300.000ha đất tưới nông nghiệp.
Việc kênh Phù Nam Techo sẽ chuyển nước từ sông Bassac, là phân lưu của sông Mê Kông ra cảng Kẹp nằm ngoài lưu vực sẽ gây suy giảm đáng kể tài nguyên nước tới đồng bằng, gây tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế, sản xuất của người dân địa phương và các hệ sinh thái tự nhiên.
Kênh đào tỷ đô nâng cấp, cải tạo 180km tuyến kênh/sông
Theo báo cáo, dự án kênh đào Phù Nam Techo dự kiến sẽ nâng cấp và cải tạo 180km tuyến kênh/sông, bao gồm 3 đoạn. Trong đó đoạn thứ nhất có chiều dài 20km nối sông Mê Kông với sông Bassac. Đoạn thứ 2 tiếp tục chạy dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối với kênh giao thông thủy từ sông Bassac ra cảng Kẹp (chiều dài khoảng 30km). Đoạn thứ ba dài 130km nối sông Bassac (tại điểm cách biên giới Việt Nam - Campuchia 20km) với cảng Kẹp của Campuchia.
Theo thông báo của phía Campuchia, các đoạn kênh này được thiết kế với kích thước đủ lớn (bề rộng đáy kênh 50m, bề rộng mặt kênh từ 80 đến 120m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7m) để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua.
Dự án sẽ xây dựng 3 cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Các cống này có chiều dài 135m, chiều rộng 18m, độ sâu 5,8m.
Bên cạnh các hạng mục công trình trên, dự án cũng tiến hành xây dựng 11 chiếc cầu giao thông (dài 161m, rộng 12m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Dự kiến dự án sẽ được khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027 với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này là 7 triệu tấn/năm.
Tháng 8/2023, Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) nhận công văn từ Ủy ban sông Mê Kông Quốc gia Campuchia (CNMC) về dự án đường thủy nội địa Kênh đào Phù Nam Techo theo thủ tục PNPCA (thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận).
Thông báo cho thấy mục đích của dự án là kết nối giao thông đường thủy nội địa và kết nối hàng hải bằng cách xây dựng tuyến đường thủy dài 180km, mở rộng và đào sâu các kênh hiện có và đào một số đoạn mới nối biển với trọng tải tàu 1.000DWT và ba âu thuyền để duy trì mực nước cho giao thông thủy.
Công trình dự kiến có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn, sâu 5,4m.
Dự án có tổng chi phí ước tính 1,7 tỷ USD, gồm ba đập đường thủy, 11 cầu và 208km đường hai bên, dự kiến do công ty Trung Quốc CRBC thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao. Theo kế hoạch, kênh đào được khởi công cuối năm nay, hoạt động năm 2028.