Chuyên gia hiến kế giải quyết biển hạn chế tốc độ khiến tài xế "quáng gà"
(Dân trí) - Theo TS. Khương Kim Tạo, đối với các biển báo giao thông kèm theo thông tin phụ như chữ, số có thể thay thế bằng mũi tên điện tử màu xanh, đỏ để tài xế dễ quan sát.
Đã bao giờ bạn cảm thấy lạc lõng và hoang mang trước những biển báo giao thông khó hiểu trên đường? Đã bao giờ bạn phải vò đầu bứt tai để đoán ý của những biển báo giao thông "kỳ quặc"?
Nếu câu trả lời là CÓ, thì bạn không hề đơn độc!
Trong suốt thời gian vừa qua, chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh từ bạn đọc về tình trạng "loạn" biển báo giao thông trên nhiều tuyến đường. Những biển báo treo như đánh đố, mập mờ, thậm chí là khó hiểu không chỉ gây khó khăn cho người tham gia giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc.
Chính vì vậy, chúng tôi quyết định thực hiện tuyến bài "Ma trận" biển báo giao thông" - nêu rõ thực trạng này. Chúng tôi sẽ cùng bạn đọc "điểm mặt chỉ tên" những biển báo bất hợp lý, phân tích những bất cập trong hệ thống giao thông và đưa ra những giải pháp thiết thực để cải thiện tình hình.
Hy vọng rằng, tuyến bài này sẽ góp thêm tiếng nói để các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng "loạn" biển báo giao thông, mang lại sự an toàn và thuận tiện cho người tham gia giao thông.
Kính mời bạn đọc cùng theo dõi!
Liên quan đến phản ánh "tài xế quáng gà trước biển hạn chế tốc độ trong 4 khung giờ trên quốc lộ" mà báo Dân trí thực hiện, trao đổi với phóng viên đại diện Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, trong phân cấp đơn vị giao cho Chi cục Quản lý đường bộ III.3 trực tiếp quản lý, giám sát các tỉnh như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,...
Hiện Cục Đường bộ Việt Nam chưa nắm được đầy đủ thông tin, phản ánh về sự việc trên.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề biển báo giao thông "đánh đố" tài xế, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, việc lắp đặt các biển giới hạn tốc độ có kèm thông tin phụ giới hạn trong một số khung giờ nhất định được viết bằng chữ, số có thể gây khó khăn cho tài xế trong quá trình lưu thông khi không quan sát hết thông tin.
Theo ông Tạo, để sớm giải quyết những bất cập về biển báo hiệu giao thông đường bộ, các đơn vị chức năng cần kiểm tra, rà soát, đánh giá để có hướng xử lý.
![Chuyên gia hiến kế giải quyết biển hạn chế tốc độ khiến tài xế quáng gà - 1 Chuyên gia hiến kế giải quyết biển hạn chế tốc độ khiến tài xế quáng gà - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/z9Ju6pHRvSY1G0QFZZ3dZE-nsAs=/thumb_w/1020/2025/02/14/tai-xe-quang-ga-truoc-bien-han-che-toc-do-trong-4-khung-gio-tren-quoc-lo-1-edited-1739403632502-1739487388753.jpeg)
Biển giới hạn tốc độ 50km/h trong 4 khung giờ trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Trung Thi).
"Đối với những biển báo hư hỏng hoặc bị che khuất bởi những cành cây, cỡ chữ nhỏ gây khó khăn cho các tài xế trong việc quan sát thì ngành giao thông cần sớm kiểm tra, khắc phục để người điều khiển phương tiện tránh bị mất tiền oan", Tiến sĩ Tạo nói.
Nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận, tất cả những biển báo để hướng dẫn, tổ chức giao thông đường bộ hiện nay cần phải sớm xem xét, chỉnh sửa lại cho hợp lý, phù hợp với thực tiễn.
Tiến sĩ Tạo lấy ví dụ những biển báo tại các nút giao thông cho phép phương tiện được rẽ phải thay vì dùng biển bằng chữ có thể thay thế bằng hình có mũi tên màu xanh.
"Thực tế, người điều khiển phương tiện nhận biết biển báo hiệu giao thông bằng chữ sẽ chậm hơn rất nhiều so với biển bằng tín hiệu màu", ông Tạo khẳng định.
Theo phản ánh, nhiều lái xe trên quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa thấy các biển giới hạn tốc độ 50km/h kèm thông tin phụ giới hạn tốc độ trong một số khung giờ nhất định.
Các biển báo này được gắn dọc hai bên đường, gần điểm mở dải phân cách.
Anh Nhân, 35 tuổi, trú tại thành phố TPHCM cho biết, trước các biển báo giới hạn nêu trên, ô tô thường được cho phép di chuyển với vận tốc 90km/h, nên trong tích tắc, tài xế không thể đọc được các thông tin cụ thể trên tấm biển là hạn chế trong khung giờ nào để thực hiện theo chỉ dẫn.
Theo ông Tùng, lái xe khách liên tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, các biển báo giới hạn tốc độ theo khung giờ mới được cắm hồi đầu năm nay.
Do đó, ông cho rằng đối với các biển báo mà có kèm theo thông tin phụ như chữ, số có thể thay thế bằng mũi tên có tín hiệu màu xanh, đỏ.
Đơn cử như trong trường hợp biển giới hạn tốc độ có kèm thông tin phụ giới hạn trong một số khung giờ nhất định có thể thay thế thông tin phụ từ chữ, số sang mũi tên điện tử xanh, đỏ để người điều khiển dễ quan sát.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, việc lắp đặt biển báo hiệu giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và phải tuân thủ theo thông tư, hướng dẫn của ngành giao thông.
"Các biển báo giao thông đều có quy định về kích thước, kiểu chữ, cỡ chữ nếu tài xế cảm thấy bất cập cần thông báo ngay cho cơ quan quản lý để có những điều chỉnh cho phù hợp", ông Thanh nói.