1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Chuyên gia đề xuất làm rõ về đặc khu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Q.Huy

(Dân trí) - Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, chuyên gia ở TPHCM cho rằng cần bổ sung, làm rõ nội dung liên quan đơn vị hành chính dưới tỉnh, trong đó có đặc khu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ngày 21/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Hội nghị có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết, Hiến pháp là đạo luật gốc, là nền tảng pháp lý cao nhất điều chỉnh các quan hệ chính trị - pháp lý cơ bản của đất nước. Sau hơn 10 năm thi hành, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện vai trò to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước.

Chuyên gia đề xuất làm rõ về đặc khu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - 1

Luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Đến nay, trước yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống chính trị, cải cách bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển lâu dài. Trong đó, việc sửa đổi các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là một nội dung trọng tâm.

"Đặc biệt, lần đầu tiên Hiến pháp quy định rõ nguyên tắc hoạt động hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ, xác lập rõ vai trò chủ trì và điều phối của Mặt trận trong hệ thống các tổ chức thành viên. Điều này mở ra điều kiện pháp lý thuận lợi để nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh gọn đầu mối, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp hiện nay", lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM bày tỏ.

Ngoài ra, việc sửa đổi Điều 84 của Hiến pháp nhằm trao quyền trình dự án luật, pháp lệnh cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là sự khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của Mặt trận trong tham gia xây dựng thể chế, phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bằng hình thức pháp lý cao nhất.

Tại hội nghị, luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho rằng, Việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

Trên cơ sở định hướng tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xác định là bước đi quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tính liên thông, thống nhất và sát thực tiễn, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Về nội dung cụ thể, luật sư Hòa góp ý bổ sung cụm từ "tổ chức xã hội nghề nghiệp" sau cụm từ "tổ chức xã hội" tại khoản 1, Điều 9, trong Hiến pháp 2013. Ngoài ra, việc đưa cụ thể tên các tổ chức như Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên vào Hiến pháp nên được xem xét lại. Theo bà, Hiến pháp cần khái quát hóa, tránh mô tả chi tiết để tránh lạc hậu khi có biến động tổ chức.

Chuyên gia đề xuất làm rõ về đặc khu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - 2

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Luật sư cũng đóng góp ý kiến về sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đơn vị hành chính. Bà góp ý bổ sung cụm từ "dưới tỉnh" sau cụm từ "đơn vị hành chính" trong khoản 3, Điều 110, của Hiến pháp để làm rõ nội dung: "Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính dưới tỉnh, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh do Quốc hội quy định".

Đối với nội dung sửa đổi bổ sung Điều 9 của Hiến pháp, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho rằng, để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp mà không làm mất đi tính chủ động, đặc thù của từng tổ chức thành viên, cơ chế "chủ trì" và "thống nhất hành động" cần được cụ thể hóa. Đặc biệt, chức năng giám sát, phản biện xã hội cần có cơ chế đảm bảo hiệu quả thực thi mạnh mẽ hơn, khắc phục tình trạng hình thức, né tránh.

Do đó, bên cạnh việc đồng ý với hướng sửa đổi tại dự thảo, luật sư kiến nghị trong Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn cần quy định cụ thể quy chế phối hợp chi tiết giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên cùng cấp, phân định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong từng lĩnh vực.

Chuyên gia đề xuất làm rõ về đặc khu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - 3

Người dân có thể tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp thông qua ứng dụng VNeID (Ảnh: Quang Huy).

Luật sư Hậu nhìn nhận, việc quy định khái quát các đơn vị hành chính trong dự thảo Hiến pháp là một điều chỉnh hợp lý. Cách quy định này tạo sự linh hoạt cho luật định sau này trong việc tổ chức mô hình 2 cấp chính quyền, đồng thời đảm bảo tính ổn định lâu dài cho Hiến pháp.

"Để tăng tính rõ ràng, có thể cân nhắc diễn đạt lại khoản 1, Điều 110, theo hướng chỉ rõ có 2 cấp hành chính là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Việc xác định tên gọi cụ thể của cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, đặc khu...) sẽ do Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định. Bên cạnh đó, cần làm rõ và thống nhất việc sử dụng thuật ngữ "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" và "đặc khu" trong hệ thống pháp luật", luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu ý kiến.