1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyên gia Bộ GTVT, Bộ Xây dựng vào cuộc vụ bé trai lọt trụ bê tông sâu 35m

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Sở GTVT Đồng Tháp, khi có chuyên gia Bộ GTVT, Bộ Xây dựng vào cuộc, Đồng Tháp giảm bối rối và chốt được phương án, sớm đưa trụ bê tông và nạn nhân lên mặt đất.

Ngày 7/1, lãnh đạo UBND  tỉnh Đồng Tháp làm việc với các chuyên gia Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, nhà thầu chính và các đơn vị có kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường tại Việt Nam để có biện pháp nhấc trụ bê tông (nơi bé trai 10 tuổi lọt sâu xuống dưới) lên mặt đất.

Tại buổi làm việc, nhà thầu chính và các chuyên gia xây dựng cầu đường, chuyên gia Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Xây dựng thống nhất sử dụng dùng cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh trụ bê tông. Khi công đoạn này hoàn thành, các lực lượng sẽ dùng dây cáp kéo trụ bê tông lên mặt đất.

Chuyên gia Bộ GTVT, Bộ Xây dựng vào cuộc vụ bé trai lọt trụ bê tông sâu 35m - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị đơn vị thi công chú ý an toàn trong lao động.

Sau khi nghe các chuyên gia phản biện, đánh giá rủi ro của phương án này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thống nhất phương án nêu trên. Tỉnh cho thành lập Ban chỉ đạo trong công tác nhấc trụ bê tông D500.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị nhà thầu chính, đơn vị thi công phối hợp với các chuyên gia Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng để đảm bảo an toàn khi thi công kéo trụ bê tông lên mặt đất. Mặt khác, các đơn vị liên quan cần quan tâm đến lực lượng thi công, đảm bảo sức khỏe công nhân để chia ca làm liên tục, sớm đưa trụ bê tông lên mặt đất.

Chuyên gia Bộ GTVT, Bộ Xây dựng vào cuộc vụ bé trai lọt trụ bê tông sâu 35m - 2

Hiện các máy móc, thiết bị cần thiết cho phương án đã được chuyển đến hiện trường.

Ông Lê Hoàng Bảo - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp - cho biết: "Khi triển khai giai đoạn 2 có bối rối vì địa chất phức tạp, chiều sâu lớn, thiết bị thiếu. Hiện nay, với sự hỗ trợ của các chuyên nên chúng tôi đã chốt được phương án tổng thể để đưa trụ bê tông lên mặt đất, đưa thi thể em bé ra ngoài, bàn giao cho gia đình lo hậu sự".

Theo ông Bảo, lý do dùng cọc thép đóng xuống 15m tạo thành bộ khung 4,8m x 4,8m chủ yếu để hạ độ cao xuống. Khi công đoạn này hoàn thành sẽ đặt 2 ống thép (loại 1m và loại 2m) vào trụ bê tông. Sau đó dùng khoan guồng xoắn lấy đất trong 2 ống thép này. Khi việc lấy đất hoàn thành, đội thi công khóa dây thép vào trụ bê tông, kéo lên.

Chuyên gia Bộ GTVT, Bộ Xây dựng vào cuộc vụ bé trai lọt trụ bê tông sâu 35m - 3

Để đảm bảo an toàn cho thợ lặn khóa dây cáp vào trụ bê tông, đơn vị thi công sử dụng ống thép có đường kính 2m thay vì ống thép 1,6m như trước đây.

Vẫn theo lời ông Bảo, khi triển khai phương án kéo trụ bê tông lên mặt đất phải đảm bảo thời gian, an toàn cho con người và sử dụng phương tiện tại chỗ. Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ huy tiếp tục lắng nghe, tiếp thu những ý kiến chuyên gia để hoàn thành công tác cứu hộ trong thời gian sớm nhất.

Đơn vị thi công đang gấp rút chuyển cần cẩu trọng tải 80 tấn, búa, ống thép và nhiều thiết bị, máy móc liên quan đến hiện trường. 

Như Dân trí đã thông tin, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 người bạn chung xóm vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình để nhặt sắt.

Khi cùng nhóm bạn đi qua công trình, Nam lọt trụ bê tông đã đóng sâu xuống đất khoảng 35m. Trụ bê tông rỗng bên trong, đường kính 25 cm.

Thấy vậy, nhóm bạn của Nam kêu cứu. Những người có mặt tại công trình đến ứng cứu nhưng bất thành.