"Áo giáp" hạt giống của chàng sinh viên lọt top 10 ý tưởng khởi nghiệp
(Dân trí) - Để khắc phục tình trạng rừng ngập mặn bị thu hẹp, Hoàng Anh (21 tuổi, ở Trà Vinh) đã tạo ra cách chống hạt giống bị sóng cuốn, động vật phá hại và cấp dinh dưỡng cho cây nảy mầm, bám rễ.
Ngày 15/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, tỉnh Đồng Tháp tổ chức chung kết cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024. Cuộc thi nhằm tìm kiếm, nhân rộng giải pháp phát triển xanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cho khu vực.
Bọc giáp cho hạt giống để phát triển rừng
Thạch Hoàng Anh (21 tuổi) đến từ tỉnh Trà Vinh, tiến vào vòng chung kết với đề tài "áo giáp hạt giống".
Hoàng Anh cho biết, anh là người dân tộc Khmer, đang học đại học chuyên ngành tài chính ở Cần Thơ. Đề tài áo giáp hạt giống được bắt đầu nghiên cứu từ khi anh còn học cấp 3.
"Nhìn bờ sông và rừng ngập mặn ở gần nhà bị sóng đánh sạt lở, hạt giống không bám rễ được để nảy mầm nên tôi đã quyết nghĩ cách để khắc phục vấn đề, ngăn biển ngày càng tiến sâu.
Tôi tìm cách bao chứa hạt trong một giá thể đơn giản, dễ làm, dễ nhân rộng với mục tiêu để hạt an toàn trước động vật, đủ nặng để không bị sóng cuốn, đủ dinh dưỡng để nảy mầm. Tôi đã thử nhiều phương án trước khi có được sản phẩm cuối cùng với tên gọi áo giáp hạt giống", Hoàng Anh chia sẻ.
Theo diễn giải của Hoàng Anh, "áo giáp" có 3 lớp, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho hạt, vừa đảm bảo độ kết dính để chống rửa trôi, vừa ngăn cản động vật ăn hạt giống.
Hoàng Anh chọn bã cà phê làm giá thể, vì theo anh phế phẩm này sau khi khử acid sẽ an toàn cho hạt, đủ dinh dưỡng cho cây phát triển trong giai đoạn đầu, đặc biệt mùi cà phê sẽ xua đuổi động vật phá hại cây con.
Tác giả cho biết, "áo giáp hạt giống" đã nhận được gói hỗ trợ chi phí 120 triệu đồng từ một tổ chức quốc tế, có 2 doanh nghiệp đang quan tâm đến sản phẩm. Đề tài đã được ngành chức năng tỉnh Trà Vinh hỗ trợ thực nghiệm trên cù lao ở cửa biển, đạt kết quả khả quan.
"Trên 80% hạt giống được bọc giáp nảy mầm, phát triển tốt. Trong khi đó diện tích trồng cây ươm bầu đối sánh chỉ sống được 65%. Phát triển rừng bằng phương pháp mới còn tiết kiệm được công chăm sóc, bảo vệ", Hoàng Anh nói.
Ngoài đề tài của Hoàng Anh, top 10 các ý tưởng khởi nghiệp cũng đưa đến cuộc thi những đề tài phát triển du lịch thuận thiên, khai thác tài nguyên bản địa, tận dụng phế phẩm nông nghiệp.
Khởi xướng sáng kiến thành lập Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong
Diễn đàn Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long - lần II năm 2024 có chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển".
Ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, diễn đàn nhằm tìm kiếm giải pháp phát huy giá trị tài nguyên bản địa, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL. Diễn đàn cũng là nơi hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng.
Tại diễn đàn năm nay, tỉnh Đồng Tháp khởi xướng sáng kiến thành lập Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong với mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công - tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh.
Tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng qua diễn đàn sẽ tạo phong trào triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, trong đó, chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là "Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực ĐBSCL" trong tình hình mới.