1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:

Chuyện của những người không cầm súng

Chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng hay Đống Đa trong thế kỷ 20, đó là chiến thắng của toàn dân. Có những người không trực tiếp cầm súng, nhưng sự góp sức của họ cũng có ý nghĩa quan trọng làm nên chiến thắng này.

Cho đến hôm nay, những câu chuyện của họ vẫn khiến chúng ta xúc động, trước một tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến, nguyên văn công Tổng cục Chính trị là một trong những người phụ nữ trẻ nhất tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, giờ đã bước vào tuổi 70 - cái tuổi sống nhiều bằng ký ức. Những năm tháng tham gia chiến dịch có lẽ là những ngày đẹp nhất cuộc đời, dù có thể lúc ấy bà chưa ý thức được rằng, tiếng hát của mình giữa mặt trận, trên hầm pháo hay bên giường bệnh đã là sức mạnh vô hình tiếp sức cho chiến sĩ. Chỉ có những kỷ vật vẫn luôn được nâng niu như một niềm hạnh phúc.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến, cho biết: “Tôi còn giữ lại được mảnh vải dù, cháu nó lấy ra chơi. Rồi cháu hỏi, mảnh vải này thì có ý nghĩa gì? Tôi đã nói: Đó là cả cuộc đời của bà...”.
 

Chuyện của những người không cầm súng - 1

 

Chiến trường khốc liệt cũng là sự cảm nhận rõ ràng với những y tá, bác sĩ, những người trực tiếp chữa bệnh cho thương binh. Và trong chính gian khổ, ác liệt, từ sự cảm phục và từ niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, tình yêu của họ đã nảy nở, song hành với tình yêu đất nước. Nhưng họ không kể về mình, chỉ nhắc chuyện cứu thương nơi mặt trận.

 

Điện Biên Phủ trong những con người hơn 80 tuổi là khi những tiếng pháo nện như giã giò, biết sẽ có hàng loạt thương binh chuyển về... Những vết thương lấm lem bùn đất, những mạch máu chảy ồ ạt, khi ấy là lúc phải quyết định xử lý vết thương thế nào, mổ cấp tốc hay chuyển tuyến sau, chỉ ăn thua nhau 1 phút thôi, đầu óc không nghĩ được bất kỳ chuyện gì khác. Bởi “cứu lấy anh em là nhiệm vụ cao hơn tất cả”.

 

Thiếu tướng Vũ Trọng Kính, nguyên Đội trưởng Đội điều trị 2, mặt trận Điện Biên Phủ, nguyên Cục phó Cục Quân y nói: “Tất cả đều chiến đấu cho nền độc lập của dân tộc, cho một nước tự do”.

 

Đại tá Lê Bích Hoàn, nguyên y tá đội điều trị 2, mặt trận Điện Biên Phủ: “Tổ Quốc cần, ra đi, không dám nghĩ chuyện tình cảm. Chỉ thương thương bình, mình chẳng đóng góp được gì nhiều”.

 

Những giọt nước mắt cứ lăn trên gò má bà Hoàn, bởi bà không kìm được xúc động khi nhắc đến những ác liệt của chiến tranh. Những y bác sĩ, hay những văn công, họ vẫn luôn khiêm tốn khi nhắc về đóng góp của mình, mà dành phần nhiều sự cảm phục cho những người lính trực tiếp cầm súng. Nhưng những đóng góp của họ, cũng như của hàng chục ngàn dân công hoả tuyến, những thanh niên xung phong, hay của những phụ nữ ở lại hậu phương vững tay cấy, tay cày, đã lí giải vì sao chúng ta chiến thắng, bởi cả dân tộc ta đã cùng ra trận, và giữ vững một tinh thần Điện Biên bất diệt sau 55 năm.

 

Theo Huyền Trang
VTV.vn