1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2009):

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ qua góc nhìn một nhà báo Pháp

“Tôi là một trong số rất ít đạo diễn có nhiều thời gian được trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi biết vào lúc đó, tôi đang nói chuyện với lịch sử, một con người vĩ đại”, Daniel Roussel, đạo diễn phim tài liệu “Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi” thổ lộ.

“Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi” là bộ phim tài liệu của đạo diễn người Pháp  vừa được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền và phát sóng vào tối 5/5 nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.  

 

Ấp ủ trong nhiều năm

 

Đạo diễn người Pháp, Daniel Roussel từng có mặt tại Việt Nam trong vai trò là phóng viên Báo Nhân đạo (Pháp) thường trú tại Việt Nam thời kỳ 1980 - 1986 và là tác giả nhiều bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam với những tư liệu chân thực và quý giá chưa từng được công bố.

 

Với nhiều khán giả, cái tên Daniel không còn xa lạ qua những bộ phim tài liệu: “Những người mất tích”, “Tù binh Mỹ ở Hà Nội - Hilton”. Tuy nhiên, phải rất lâu sau đó, Daniel mới quay trở lại Việt Nam, quay trở lại chiến trường Điện Biên để thực hiện bộ phim này. Năm 1991, ông mới lần đầu được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bấm máy thực hiện bộ phim được ông ấp ủ sau nhiều năm.

 

Những bộ phim về chiến tranh Việt Nam của Daniel Roussel luôn thể hiện một cái nhìn khách quan, nhiều chiều về sự kiện lịch sử này, để thế giới hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam. “Điện Biên Phủ - cuộc chiến giữa hổ và voi” kể lại những diễn biến trên chiến trường Điện Biên, một trong những trận chiến vĩ đại của thế kỷ 20 và qua đó ca ngợi một con người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ qua góc nhìn một nhà báo Pháp - 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đạo diễn D.Roussel năm 1991.

 

Nói về cảm nhận lần đầu được gặp tướng Giáp và thực hiện bộ phim tâm đắc của mình, Daniel Roussel cho biết: “Tôi là một trong số rất ít đạo diễn đã có nhiều thời gian được trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi biết là vào lúc đó, tôi đang nói chuyện với lịch sử, một con người vĩ đại. Tôi biết đang đứng trước mặt tôi là con người đã làm thay đổi lịch sử của dân tộc Việt Nam và cũng là một phần của thế giới. Tôi đã lắng nghe ông một cách chăm chú, và như người Pháp hay nói, tôi như uống từng lời Đại tướng nói ra, tôi ghi chép rất nhiều, tôi quay phim, tôi đã quay hàng giờ, hàng giờ bằng phỏng vấn Đại tướng”.

 

Còn nhiều duyên nợ với Việt Nam

 

Daniel cũng được coi là nhà báo khá am hiểu về tình tình chiến tranh Việt Nam khi đó cũng như những hiểu biết về vị Đại tướng mà ông yêu mến, khâm phục. “Có 3 vị tướng người Trung Quốc ở bên cạnh Đại tướng với tư cách cố vấn. Đáng nhẽ ra sẽ có một cuộc tấn công vào tháng 12 nhưng Đại tướng đã quyết định thay đổi chiến thuật, bởi vì ông hiểu rằng, cách đánh dự định triển khai sẽ không đem lại hiệu quả và không chắc sẽ đem lại chiến thắng”, Daniel nói.

 

Trong phim, Daniel không chỉ nói về một con người với một nhãn quan quân sự tuyệt vời, một sự dũng cảm hiếm có trước những trách nhiệm chính trị nặng nề mà còn khắc hoạ về chân dung một con người bình dị, dễ gần và đặc biệt hài hước. Đó là khi Daniel Roussel hỏi câu hỏi cuối cùng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời bằng tiếng Pháp: “Ở Nam Bộ chúng tôi có đứa con Út, sau đó thì nhỡ nên có Út 2, rồi sau đó là Út 3, Út 4. Như vậy là luôn có đứa con cuối cùng của cuối cùng. Còn anh, anh luôn bảo là câu cuối cùng, như vậy là luôn luôn có một câu cuối cùng của cuối cùng...” (cười).

 

Không dừng lại ở đó, đạo diễn Daniel dự định sẽ làm làm tiếp về những người lính Việt Nam mất tích trong chiến tranh chống Mỹ và một phim khác về những người lính quay phim của điện ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh.

 

Theo Thanh Hà - Thu Hằng
Giadinh.net