Chuyện của 2 thiếu nữ rời làng xuống phố, bị tra tấn ép làm "tay vịn"
(Dân trí) - Cô bạn về làng mang theo "hương phố thị" khiến Quế nôn nao. Quế lén xuống phố để lại sau lưng tiếng thở dài của cha mẹ, thầy cô. Quyết định sai lầm khiến cô nữ sinh vùng cao phải trả giá quá đắt.
Quế (17 tuổi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) và Hương là 2 trong số 9 cô gái bị giam lỏng tại quán karaoke Hoàng Gia. Hơn 10 ngày trước, cảnh sát đột kích địa điểm này giải cứu thành công các cô gái. Phạm Ngọc Tiên, đối tượng đánh đập, ép các cô gái tiếp khách, bán dâm đã bị khởi tố. Được trở về làng, cuộc sống của Quế dần bình thường trở lại.
Sinh ra ở vùng đất quế Trà Bồng, Quế có vẻ đẹp hoang dại điển hình của những cô gái miền Tây Quảng Ngãi. Nhà Quế nằm dưới chân núi Kà Tinh, ngôi làng chỉ có khoảng 20 nóc nhà.
Một ngày cuối tháng Chạp năm ngoái, Hương (16 tuổi) về làng Kà Tinh đón Tết. Quế và Hương là bạn thân, nhà đối diện nhau. Hương bỏ học sớm theo người quen xuống phố bán cà phê.
Cuộc sống phố thị biến Hương thành người hoàn toàn khác, điều này khiến Quế tò mò. Nghe Hương kể Quế cũng muốn rời làng. Một ngày đầu tháng 2/2021, cha mẹ lên rẫy, Quế lặng lẽ đi tìm Hương, tìm cuộc sống náo nhiệt nơi miền xuôi.
"Con không đi học nữa, con xuống thành phố tìm việc làm, cha mẹ đừng lo", Quế nói qua điện thoại với cha khi đặt chân đến Sông Vệ, một thị trấn sầm uất cách TP Quảng Ngãi chỉ vài cây số.
Quế xuống phố, Hương nhờ người tìm cho bạn công việc bán cà phê. Chưa đầy một tháng, một người phụ nữ tên Nga nói với Hương và Quế về quán karaoke Hoàng Gia. "Họ nói ở đó làm nhẹ nhàng, có người làm được 40 triệu đồng một tháng", Quế nhớ lại.
Việc nhẹ, lương cao, được ca hát là những "miếng mồi" quá hấp dẫn. Quế và Hương không một chút đắn đo về karaoke Hoàng Gia làm việc cho Phạm Ngọc Tiên. Đó có lẽ là quyết định sai lầm nhất cuộc đời hai cô gái trẻ.
Về làm tại karaoke Hoàng Gia, Quế và Hương bị Tiên ép phải ký "hợp đồng lao động". Hợp đồng buộc hai cô gái phải làm ít nhất một năm, mỗi ngày phải tiếp khách hát karaoke theo lệnh của Tiên. Đổi lại, Quế và Hương được trả 5 triệu đồng mỗi tháng, được bao ăn, ở.
Đọc hợp đồng, Quế và Hương cảm thấy có điều không bình thường. Cả hai không ký, quyết định này là nguyên nhân khiến cả hai nếm mùi trận đòn đầu tiên của Tiên. Sau đó, việc bị đánh, bị tra tấn diễn ra như cơm bữa khiến Quế, Hương và những cô gái khác khiếp sợ. Đó là lý do vì sao những cô gái ở quán karaoke Hoàng Gia buộc phải ký hợp đồng, phải chịu sự bóc lột, tra tấn của Tiên mà không dám phản kháng.
"Nói là lương 5 triệu nhưng ở đó không ai được trả lương đâu anh", Quế nói.
Tiên thu hết điện thoại, nhốt các cô gái vào căn phòng khoảng 20 m2. Muốn làm việc gì đều phải được Tiên đồng ý, ngược lại là bị đánh. Có người còn bị Tiên bắt cởi hết quần áo, tưới nước lên người rồi chích điện.
Camera, những tên "đầu gấu" và lời dọa giết của Tiên là "sợi xích" giam giữ Quế và những cô gái khác trong căn phòng tối. Ở đó được vài tuần, Quế bắt đầu nhớ cái yên bình của làng Kà Tinh. Quế muốn về làng, muốn đi học. Quế nói với Tiên như thế, và hẳn nhiên, người Quế lại có thêm những vết bầm.
Ở lại cũng chết, xin về cũng có thể bị giết chết. Cô gái 17 tuổi nói với cha, lúc đó con nghĩ mình sẽ chết. Dù sao cũng chết, nhưng không thể chết ở đó. Quế tìm cách thoát thân.
Một ngày cuối tháng 3, Quế xin Tiên ra ngoài. Bình thường, việc các cô gái xin ra ngoài sẽ bị đòn, không hiểu sao hôm đó Tiên đồng ý. Quế mừng rỡ rời quán, mượn điện thoại gọi cho cha. Cô chỉ kịp nói rất ngắn về nơi mình làm việc, số điện thoại của Tiên và nhờ cha xin cho mình về đi học.
Nhận điện thoại của cha Quế, không hiểu sao Tiên lại đồng ý. Ngồi sau lưng cha trên đường về Kà Tinh, Quế bật khóc nức nở. Về làng, Quế tìm ông Nam - cha Hương, kể lại sự việc. Quế rủ Hương cùng về nhưng vì vừa sợ vừa nghĩ mình được Tiên "yêu thương" nên Hương từ chối. Nghe Quế kể, lòng ông Nam như lửa đốt, ông tức tốc trình báo công an. Ông muốn cứu đứa con gái vẫn còn mê mị nơi phố thị.
Mấy ngày sau, một ngày bất chợt mưa tầm tã, ông Nam nhận được điện thoại của công an. Quán karaoke Hoàng Gia bị đột kích, 8 cô gái trong đó có Hương đã được giải cứu. Ông Nam vội vã đi đón con gái. Sau lần này, ông quyết không cho Hương rời làng nữa.
Suốt tuần qua, ông Nam không lên rẫy. Ông muốn ở bên con gái. Trong câu chuyện, người đàn ông khắc khổ tự trách bản thân mình. Chính ông đã không cương quyết khi Hương bỏ học về xuôi tìm việc.
"Con mình, mình nuôi chưa dám đánh lần nào mà tụi đó đánh bầm khắp người. Cũng do mình không cản được khi nó nghỉ học về xuôi tìm việc. Thôi, lần này quyết phải ở nhà, đi học lại hoặc học nghề, không đi làm như trước rồi lại bị đánh nữa", ông Nam nói đầy xót xa.
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo cho biết, huyện đã đến thăm hỏi, động viên các cháu. Quan trọng nhất hiện giờ là giúp các cháu ổn định tâm lý, sau đó hỗ trợ để các cháu đi học trở lại. Qua sự việc này, địa phương sẽ tăng cường giáo dục cho học sinh, hạn chế tình trạng bỏ học. Đồng thời giúp các em tránh bị dụ dỗ sa chân vào những nơi bị đánh đập, bóc lột hoặc vi phạm pháp luật.