1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nghệ An:

Chuyện buồn của 3 cựu binh đưa điện về bản

(Dân trí) - Với ba chiếc sổ đỏ cầm cố vay vỏn vẹn được 183 triệu đồng, 3 cựu binh ở bản Vĩnh Kim và bản Yên Hoà, xã Hội Sơn (huyện Anh Sơn - Nghệ An) quyết tâm đưa điện về bản.

Ba cựu chiến binh gồm ông Lương Quốc Trị, Lữ Văn Thành và Lê Văn Huỳnh.

Sổ đỏ “lạc” vào ngân hàng…

Năm 1990, hầu hết người dân ở khắp các bản làng trong xã Hội Sơn đã được dùng điện lưới quốc gia thì hai bản Vĩnh Kim và Yên Hòa vẫn đêm đêm những ngọn đèn dầu leo lắt yếu ớt.

Một tin vui đến với bà con hai bản nói trên, UBND tỉnh Nghệ An (năm 1995), hỗ trợ 230 triệu đồng để xây dựng đường điện cao thế về hai bản. Bao gồm cơ sở hạ tầng như: Hệ thống cột, dây và máy biến áp. Niềm vui chưa dứt, âu lo đã đến cũng từ đó những thiết bị này vẫn “án binh bất động” nằm tại chỗ do thiếu kinh phí để làm tiếp.

Công trình đưa điện về bản được UBND tỉnh đầu tư nhưng làm nửa vời thì thiếu tiền. Cũng kể từ đó, công trình này “giẫm chân tại chỗ” cho máy móc, thiết bị phơi nắng phơi sương.

Thấy thế UBND xã Hội Sơn cùng đại diện bà con hai bản nói trên kiến nghị lên chính quyền huyện để có biện pháp sớm hoàn thành công trình thì được UBND huyện triệu tập cuộc họp bất thường trong cuộc họp đó, huyện đã có một thông báo (bằng văn bản - ảnh) ngày 7/3/2002 như sau: “…Về nguồn vốn: Để đảm bảo công trình sớm thi công, UBND xã Hội Sơn làm thủ tục hồ sơ vay vốn của NHNN (ngân hàng nông nghiệp), UBND huyện chịu trả lãi suất… ”.

Về phía xã Hội Sơn, với khả năng tài chính thì không thể đứng ra vay với số tiền lớn. Đến đây, chính quyền xã đã bí và có thể nói để mặc cho công trình chết vì xã không thể đứng ra vay ngân hàng được.

Khi chính quyền bó tay, thì ba cựu chiến binh trong bản Vĩnh Kim và Yên Hoà là Lê Văn Huỳnh, Lương Quốc Trị, Lữ Văn Thành đã giấu vợ con mang toàn bộ sổ đỏ của gia đình đến Ngân hàng huyện thế chấp vay 183 triệu đồng thay cho xã.

Có tiền, tháng 12/2003 công trình dang dở được tiếp tục thi công và đến tháng 1/2004 công trình đã hoàn thành, điện thắp sáng đã đến với bà con hai bản Vĩnh Kim và Yên Hoà ai nấy vui mừng, phấn khởi... UBND xã Hội Sơn đã bàn giao công trình này cho chi nhánh điện lực Anh Sơn (thuộc Sở Điện lực Nghệ An) khai thác và quản lí.

… Đến khi hết nợ mới hòng được ra

Điện về, diện mạo của bản Vĩnh Kim, Yên Hoà đã thay da đổi thịt, sản xuất đã nhanh chóng khởi sắc… Còn những cựu chiến binh đó thì ngày đêm lo âu với món nợ khổng lồ mà mình đang mắc với ngân hàng.

Công trình mới hoàn thành, UBND huyện thông qua xã Hội Sơn, đã chi trả được 81 triệu đồng cho ngân hàng kèm theo lời hứa sẽ trả nốt số còn lại khi hết hạn với ngân hàng.

“Đến hẹn lại lên” đến ngày 20/9/2006, khi thời hạn với ngân hàng đã hết thì cơ quan này (UBND huyện) vẫn không có phản ứng gì. Sau đó, cả ba cựu chiến binh nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện.

Thấy nhiều lần đi gõ cửa chính quyền, thì đến giữa năm 2007, UBND huyện Anh Sơn mới tiếp tục trả cho ngân hàng thêm 50 triệu đồng, còn số tiền 52 triệu đồng thì vẫn chưa có phương án khả thi nào (năm 2007 nợ 52 triệu chưa tính lãi suất mẹ và con để sang năm 2008).

Trong lúc đó, ba gia đình này đang sống trong cảnh nơm nớp lo âu, không có điều kiện để phát triển kinh tế. Ông Thành nghẹn đắng bảo: “Mỗi lần đến hẹn thì cán bộ ngân hàng lại tìm đến để đòi tiền. Mỗi lần cán bộ vào đòi nợ là vợ con tôi cứ cau mày, cau mặt sau đó giận cả tuần…”.

Khi ba gia đình cựu binh chưa tìm được lối thoát, số nợ mẹ đẻ nợ con thì vẫn lãi theo thời gian… Còn cơ quan chủ quản vẫn “bình chân như vại”. Dẫn đến gia đình không có điều kiện để phát triển kinh tế, việc học hành của con cái bị gián đoạn và tình cảm trong gia đình rạn nứt.

Chuyện buồn của 3 cựu binh đưa điện về bản - 1
  

Chủ tịch UBND xã Hội Sơn
Nguyễn Thị Uý.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Uý, Chủ tịch UBND xã Hội Sơn cho biết: “Tôi là người kế nhiệm chức chủ tịch, nên mọi việc tôi chỉ làm theo văn bản. Lúc đầu đúng là huyện hứa là khi công trình hoàn thành bàn giao cho Sở điện lực thì đơn vị này sẽ hoàn trả vốn ban đầu còn huyện hỗ trợ trả lãi suất nhưng nay cả 3 người cựu binh ấy vẫn đang nợ ngân hàng. Chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình xin huyện nhưng chưa thấy động thái gì cả. Sau đó thì huyện bảo là xã tự lo để trả nợ cho 3 người đó...”.

Đem vấn đề này trao đổi với chủ tịch huyện Anh Sơn thì được bà Võ Thị Hồng Lam thẳng thắn: “Tôi mới lên chức được biết sự việc ba người đó đứng ra vay vốn thay cho xã kéo điện về bản tôi rất cảm ơn về hành động đó của họ. Việc nợ nần tôi đã quyết định cho 50 triệu để trả rồi như thế tôi đã giải quyết xong rồi. Tôi cho rằng trách nhiệm này thuộc về phía xã và tôi không còn trách nhiệm”, bà Lam thẳng thừng.

“Hiện tại với nguồn ngân sách hạn hẹp của xã, chúng tôi không đủ để hoạt động chứ nói gì đến việc hoàn trả số tiền đó cho 3 ông nên chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ từ trên xuống. Chúng tôi cũng đang đấu giá một số đất (việc này huyện cho) để lấy tiền trả nợ cho 3 ông nhưng không có kết quả”, bà Uý cho biết thêm.

Mặt trời khuất sau rặng núi, cũng vừa lúc những ánh đèn điện khắp bản làng được bật lên, tiếng trẻ em cười khúc kha khúc khích xem những chương trình ti vi… nhưng lẫn lộn trong tiếng cười là nỗi buồn, cuộc sống của ba cựu chiến binh lại đang rất khó khăn vì nợ nần vẫn đang chồng chất.

Nguyễn Phê