1. Dòng sự kiện:
  2. Sập cầu Phong Châu
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Chuyện bà cụ bán vé số cùng chú chó và đàn chim sẻ

(Dân trí) - Hơn 20 năm nay, người dân TP Mỹ Tho (Tiền Giang) được chứng kiến một câu chuyện đẹp như cổ tích. Giữa dòng người, xe tấp nập, một bà cụ thanh thản ngồi bán vé số; một chú chó trung thành ngồi cạnh bà suốt ngày và gần đó đàn chim sẻ luôn nhảy nhót…

Hình ảnh đẹp và lạ lẫm đó đã tồn tại mấy mươi năm nay. Người dân ở đây đã quen, người lạ mới đi qua lần đầu ngạc nhiên và thích thú.
 
Cụ Sao âu yếm nhìn chú chó đã theo cụ đi bán vé số 10 năm nay

Cụ Sao âu yếm nhìn chú chó đã theo cụ đi bán vé số 10 năm nay
 
Xem đàn chim sẻ nhảy nhót quanh chỗ cụ Sao ngồi bán vé số

 

Ngày nào cũng vậy, từ 6 giờ sáng, bà cụ Phạm Thị Sao (75 tuổi) trú trên đường Huỳnh Tịnh Của, TP Mỹ Tho, cầm tập vé số cùng với chú chó ra đường Nguyễn Trãi cạnh nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho để bán. Nhìn thấy bà Sao, lũ chim sẻ kêu ríu rít, đợi bà cụ lấy thức ăn rải ra vỉa hè là lũ chim từ nóc nhà thờ và cành cây quanh đó ào xuống ăn. Ăn xong, chúng vẫn nhảy nhót quanh bà cụ chứ không bay đi. Nhìn đàn chim sẻ chăm chú mổ từng hạt gạo, bà Sao nở nụ cười hạnh phúc.

 

Bà Sao kể về cơ duyên với đàn chim sẻ: “Hồi mới ra đây bán vé số năm 1992, tôi có nuôi một con gà cho đỡ buồn. Một hôm, khi rải thức ăn lên vỉa hè cho gà ăn, bỗng dưng có một đàn chim sẻ khoảng hơn chục con bay xuống ăn cùng. Thương đàn chim thế là hàng ngày tôi mang thêm gạo ra đây cho bầy chim ăn luôn. Từ đó, ngày nào “tụi nhỏ” cũng tập trung về đây ngày một đông để xin ăn”.
 
Cụ Sao, chú chó và đàn chim sẻ
Cụ Sao, chú chó và đàn chim sẻ

 

Được 10 tuổi thì con gà chết. Bà Sao buồn mất mấy ngày nhưng vẫn ra đây bán vé số để cho chim ăn. Không lâu sau, bà Sao mua một con chó về nuôi, từ đó chú chó ngày ngày theo bà cụ đi bán vé số, đến giờ con Tô Tô (bà Sao đặt tên cho con chó như vậy) cũng đã được 10 tuổi tròn.

 

Nhiều hôm bà Sao ốm phải nghỉ ở nhà, bà rất nhớ đàn chim. Sợ chúng đói, bà lại nói cô con gái đưa thức ăn ra chỗ bán vé số cho đàn chim ăn. Cũng có hôm đàn chim sẻ không thấy bà Sao liền bay vào tận nhà kêu ríu rít xin ăn.

 

“Được nhìn “tụi nhỏ” vừa ăn vừa nhảy múa, kêu ríu rít suốt ngày chính là niềm vui và hạnh phúc của tôi” - bà Sao tâm sự.

 

Ngày trước có mấy người thấy chim sẻ tập trung về đây ăn nhiều nên dùng bẫy bắt chim đem bán cho các nhà hàng làm mồi nhậu, bà Sao liền chạy lại ngăn cản. “Đàn chim sẻ do chính tay tôi cho ăn nên chúng mới tập trung ở đây đông như vậy. Nếu họ bắt chim ở đây thì tôi mang tội nặng với với tụi nó” - bà Sao buồn rầu nói.
 
Ngày nào đàn chim cũng sà xuống xin cụ Sao cho ăn, ăn xong chúng vẫn nhảy nhót vui chơi gần chỗ cụ
Ngày nào đàn chim cũng sà xuống xin cụ Sao cho ăn, ăn xong chúng vẫn nhảy nhót vui chơi gần chỗ cụ

 

Nhiều người dân quanh đây học theo bà cũng rải gạo ra trước nhà gọi chim nhưng đàn chim không ăn vì theo bà Sao nói, tụi nó ít khi ăn thức ăn của người lạ. Thế là họ đưa thức ăn nhờ bà cụ cho đàn chim sẻ ăn dần.

 

Mỗi ngày trung bình bà Sao bán vé số kiếm được gần 100.000 đồng, bà dành riêng 10.000 - 20.000 đồng để mua gạo cho chim. “Nếu sau này tôi không còn sức ra đây bán vé số thì con gái tôi sẽ tiếp tục công việc này, vừa bán vé số, vừa cho chim ăn” – bà Sao nói.

 

Câu chuyện về bà Sao bán vé số cùng chú chó và đàn chim sẻ nghe giống như trong môt câu chuyện cổ tích đẹp. Một câu chuyện cổ tích có thật trong đời thường mà suốt 20 năm nay người dân TP Mỹ Tho được chứng kiến mỗi ngày.

 

Ngọc Thụ