1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hành trình của các nạn nhân chất độc da cam VN tại Mỹ:

“Chúng tôi chịu vô vàn cơn đau”

Tòa nhà Veteran’s Building, đối diện tòa thị chính thành phố San Francisco (Mỹ). Gần 62 năm trước, 50 quốc gia từng đến đây ký kết Hiến chương Liên Hiệp Quốc mong ước đảm bảo hòa bình cho thế giới. Nay các đại diện của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đến đây để kể cho các cựu chiến binh Mỹ nghe câu chuyện đời mình.

>> Mỹ chiếu phóng sự hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam

 

19h ngày 10/6/2007. Mở đầu buổi nói chuyện, ông Trần Xuân Thu, trưởng đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, chia sẻ: “Chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm nhưng ở Việt Nam vẫn có hàng triệu nạn nhân chịu ảnh hưởng chất độc da cam. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, chịu đựng đau khổ nhiều nhất trong những người đau khổ. Hằng ngày hằng giờ, họ vẫn phải chịu nỗi đau dằn vặt về tinh thần khi thấy những người thân của mình cũng bị ảnh hưởng...”.

 

Nhìn nhận cuộc đấu tranh sẽ rất khó khăn và lâu dài sau khi vụ kiện bị chánh án Jack Weinstein bác năm 2005, nhưng ông Thu tin “công lý, đạo lý, nhân đạo sẽ giành chiến thắng. Các công ty hóa chất Mỹ đã kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ và giờ họ phải có trách nhiệm, có sự đền bù đối với những nạn nhân này”.

 

Cùng niềm tin với ông Thu, bà Merle Ratner, thành viên chủ chốt tổ chức chuyến đi cho đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam dự phiên tòa phúc thẩm kiện các công ty hóa chất Mỹ, khẳng khái: “Công lý phải chiến thắng. Những người anh em Việt Nam đã giành được chiến thắng cách đây hơn 30 năm và giờ tôi tin rằng với sự kiên trì, quyết tâm cùng giúp đỡ của các cựu binh và cộng đồng, chúng tôi sẽ thắng”.

 

“Cơ thể tôi không còn nguyên vẹn”

 

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hồng (Biên Hòa, Đồng Nai) bắt đầu: “Tôi cũng là một cựu chiến binh. Cơ thể tôi giờ không còn nguyên vẹn. Từng bộ phận trên người tôi đều bị mất mát. Tôi là nhân chứng sống để cho phiên tòa thấy thật sự bộ mặt của chất độc này là như thế nào”.

 

Khán phòng im lặng. Tưởng như có thể nghe rõ từng nhịp chậm chạp của thời gian đang trôi. Mọi người nín lặng vì không ai có đủ can đảm để phá vỡ sự yên lặng đó. Bà Hồng đã mất mát quá nhiều rồi...

 

Ông Nguyễn Văn Quý (Lê Chân, Hải Phòng) kể đã bị sụt hơn 20kg từ khi rời quân ngũ. Nhưng cuộc đời bình thường của người đàn ông hom hem (nay chỉ còn 37kg) mang trên người đủ thứ bệnh ung thư này mới là một bi kịch làm rùng mình những người lính từng một thời ở bên kia chiến tuyến. Con đầu bị quái thai và chết ngay lúc chào đời chưa đủ ngày đủ tháng.

 

Người con trai thứ giờ 20 tuổi nhưng bị liệt và câm. Cô con gái 18 tuổi bị thiểu năng trí tuệ, không nghe, không nói được. Chứng ung thư dạ dày đã di căn lên tụy, phổi của ông. “Mười năm nay tôi nằm trên giường bệnh. Tôi chịu đựng vô vàn cơn đau. Gia đình tôi phải bán nhà để chữa bệnh cho tôi. Tôi chỉ muốn nói rằng chất độc đó rất độc hại. Các bạn và nhân dân Mỹ nên hiểu và hãy cùng chúng tôi gây sức ép để các công ty Mỹ phải có trách nhiệm đền bù và gánh chịu các hậu quả của mình”.

 

Chiến tranh không chỉ ảnh hưởng đến những người trực tiếp tham gia cuộc chiến. Anh Nguyễn Mười (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) là một bằng chứng sống. Bố anh từng là đầu bếp trong quân đội chế độ cũ. “Tôi bị đau lưng khi mới 16 tuổi (Mười sinh năm 1983) và đến năm 2003 bác sĩ phát hiện tôi bị gai đốt cột sống. Các xét nghiệm sau đó cho biết tôi bị nhiễm chất độc da cam”. Cha của Mười cũng bị cắt 2/3 dạ dày vì ảnh hưởng của chất độc này.

 

 

“Chúng tôi chịu vô vàn cơn đau” - 1
 

Anh Võ Thanh Hải và bức ảnh

người con trai bị ung thư xương.

Anh Võ Thanh Hải (Nam Đồng, Thừa Thiên - Huế) là một công nhân trồng rừng. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh đi phục hồi những cánh rừng bị chiến tranh và chất độc da cam tàn phá. Anh không biết mình nhiễm độc, cho đến khi con trai đầu bị chẩn đoán ung thư xương năm 2000. Hai đứa con còn lại của anh đều bị bệnh tim. Bản thân anh sau đó cũng bị phát hiện ung thư lá lách.

 

“Chính phủ Mỹ mắc nợ các nạn nhân Việt Nam”

 

Nỗi đau thể xác của con người thì không có ranh giới màu da. Paul Cox, đại diện Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (Veterans for Peace - VFP), đứng lên nói: “Tôi đã tham gia chiến tranh. Tôi cũng phải chịu đựng những nỗi đau từng chứng kiến ở chiến tranh cho đến nay”. Paul Cox đề nghị phía đoàn đưa ông các đề nghị cụ thể để có thể giúp đỡ.

 

Ron Schmidt, một cựu binh nay là giáo viên, nghẹn ngào tiếp lời: “Thật khó tưởng tượng những học trò của tôi giống như Mười mà phải chịu đựng những nỗi đau như vậy. Tôi hi vọng phiên tòa sẽ có tác động lên Chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ đã gây ra những nỗi đau này, họ nợ các nạn nhân của Việt Nam rất nhiều”. Đôi mắt thầy Schmidt ngấn lệ và giọng gần như nức nở khi phải tưởng tượng những học sinh của mình chịu đựng bi kịch của Mười.

 

Bill Schwalb, người phụ trách thông tin của VFP, bức xúc hơn: “Tôi chỉ là đứa trẻ khi chiến tranh đang diễn ra. Ở Midland có trụ sở của Dow Chemical (công ty kiếm được nhiều lợi nhuận nhất trong các hợp đồng cung cấp hóa chất tại Việt Nam). Cộng đồng ở Midland cũng đang bị đầu độc bởi các chất độc này. Chúng ta sẽ thấy các nạn nhân tương tự trong 30-40 năm nữa trên đất Mỹ nếu không có các biện pháp ngay từ bây giờ”. Ông nhấn mạnh: “Cuộc chiến của các bạn cũng là cuộc chiến của chúng tôi. Mỗi người lính từng chiến đấu ở Việt Nam đều có một phần Việt Nam bên trong bản thân mỗi người”.

 

Hành trình tìm công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ còn là một chặng đường dài. Nhưng họ không đơn độc khi bên cạnh mình đang có sự giúp đỡ, ủng hộ của đông đảo dư luận Mỹ, kể cả những người từng tham gia cuộc chiến năm nào.

 

Sau phiên tòa phúc thẩm ngày 18/6, đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ đến trụ sở Tập đoàn Dow Chemical ở Midland, bang Michigan. Dù Dow Chemical không còn sản xuất chất độc da cam nữa nhưng họ vẫn sản xuất các hóa chất có sử dụng dioxin.

 

Bill Schwalb, thuộc VFP, đề xuất khi đoàn tới Midland, họ sẽ cố liên lạc để mời đạo diễn danh tiếng Michael Moore đến gặp các nạn nhân để làm một bộ phim. Đạo diễn của các bộ phim tài liệu gây chấn động như Fahrenheit 9/11 và Sicko được hi vọng có thể gây chú ý hơn nữa từ cộng đồng người Mỹ bằng cái nhìn sắc bén của ông.

 

Dioxin - độc nhất trong mọi độc chất

 

“Dioxin là thứ độc nhất trong mọi độc chất. Tôi rất đau lòng khi thấy các bạn phải chịu những nỗi đau đó. Chúng ta cần cứu những người Việt Nam, những anh em đã từng chiến đấu rất anh hùng vì độc lập đất nước của họ” - Jackie H. Santos, chuyên gia phân tích hóa chất từ Viegues (Puerto Rico - quần đảo ở đông bắc biển Caribê, lãnh thổ thuộc Mỹ), cho biết các hóa chất độc hại thả xuống VN từng được thử nghiệm tại quê hương ông.

 

Theo Thanh Tuấn

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Nạn nhân da cam sang Mỹ