1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - "Chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ mà cần phải dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Ngày 28/7, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo các Nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) với sự tham gia của 200 các nhà nghiên cứu khoa học trẻ...

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 1.000 điểm cầu, từ đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa) cho đến trên 600 điểm cầu truyền hình tại 7 sở, ngành thuộc 63 tỉnh, thành phố, các Trường Đại học có ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện hoạt động thiết thực hướng đến chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5/8/2002 - 5/8/2022). Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân dự và chỉ đạo hội nghị.

Chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ - 1

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh về khoa học và công nghệ. Do đó, việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới trẻ để góp phần kiến tạo một tương lai xanh là hết sức cần thiết. Việt Nam đã trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đến nay là giai đoạn cần có sự bứt phá hơn. Tuy nhiên, chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ mà cần phải dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để làm được điều đó, có rất nhiều điều phải chuẩn bị như: Chuẩn bị nguồn lực từ sớm, từ xa, chú trọng đào tạo từ các thế hệ trẻ; có như vậy, trong tương lai, nguồn nhân lực mới góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Theo Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nắm bắt xu thế và đi cùng thời đại, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về việc thúc đẩy và tận dụng thời cơ tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điển hình là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các văn bản, hành động để cụ thể hóa, thể chế hóa của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có ngành TN&MT. Các địa phương đã thể hiện quyết tâm cao trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về chuyển đổi số, coi đây là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh mạnh và bền vững.

Chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ - 2

Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo đó, nhân tố con người đóng vai trò quyết định cho sự thành công của chuyển đổi số, đi đầu là lực lượng các nhà khoa học trẻ, những người có tư duy mới, dồi dào năng lượng, nhiệt huyết, luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, không ngại khó, không ngại khổ.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ TN&MT đã tổ chức các cuộc Tọa đàm và Hội thảo về chuyển đổi số và công nghệ số lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững.

PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chuyển đổi số đang trở thành vấn đề tất yếu, sống còn của các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp... trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với lĩnh vực dự báo khí tượng thủy văn, Trung tâm đã sử dụng hệ thống dữ liệu lớn (big data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhận dạng xoáy thuận nhiệt đới tương tự trong quá khứ để đưa ra các kịch bản tác động, trong dự báo mưa hạn cực ngắn...

Chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ - 3

PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Dự báo viên Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tác giả của công trình nghiên cứu đề xuất phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa lũ, nghiên cứu này đã đề xuất một phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ của một cặp mô hình khí tượng thủy văn bằng cách tạo ra lượng mưa tổ hợp (EPP) kết hợp với lượng mưa dự báo dựa trên ra đa và sai số không gian của lượng mưa dự báo.

Tại hội nghị, Bộ TN&MT ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường gồm 12 thành viên.

Chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ - 4

Ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, đây là lần đầu tiên Bộ TN&MT tổ chức một sân chơi dành cho các nhà khoa học trẻ với kỳ vọng truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng thuộc 9 lĩnh vực ngành vào thực tế. Câu lạc bộ sẽ phát huy vai trò của các nhà khoa học trẻ chủ động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phục vụ công tác quản lý ngành, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.