1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chiều nay (giờ Mỹ) bắt đầu phiên phúc thẩm vụ kiện dioxin:

“Chúng ta có lợi thế nói lời sau cùng”

Dù vụ kiện này có kết quả thế nào thì chúng ta cũng đã thắng trong phiên tòa dư luận - quan trọng hơn so với phiên tòa chỉ có ba thẩm phán. Chúng ta có hàng triệu người ủng hộ ở Mỹ, trên thế giới, những người có thể hành động để tác động chính phủ Mỹ sửa chữa sai lầm này.

Dean Constantine P.Kokkoris là một trong hai luật sư tại New York trong thành phần những luật sư bảo vệ các nguyên đơn tại phiên phúc thẩm ngày 18/6. Ông được coi là người chuẩn bị chính cho các nội dung tranh luận tại tòa phúc thẩm lần này. Ngay trước phiên điều trần, luật sư Kokkoris đã có buổi trò chuyện tại New York.

 

Xin ông khái quát qua về phiên tranh tụng sắp tới?

 

Vụ kiện của chúng ta bị thẩm phán Jack Weinstein bác vào tháng 3/2005. Trong một tháng sau đó, chúng tôi đệ đơn kháng cáo và tòa phúc thẩm sẽ diễn ra chiều 18/6 (sáng sớm 19/6, giờ VN). Trong các hồ sơ chúng tôi đã đệ lên có bản tóm tắt qua về nội dung khiếu kiện, tóm tắt của các luận điểm phía bên nguyên, bản tóm tắt luận điểm phản đối quyết định thẩm phán Jack Weinstein rằng ông ta đúng sai ra sao... để yêu cầu tòa án thụ lý lại vụ án này.

 

Đến ngày 18/6, các thẩm phán phải đọc hết các giấy tờ của phía bên nguyên, phía các công ty và phía luật sư của chính phủ. Họ sẽ chuẩn bị chất vấn các bên để làm rõ lý lẽ từng bên, làm rõ thêm vấn đề, thậm chí là sắp xếp lại trình tự vụ việc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

 

Trong phiên điều trần này, liệu phía luật sư bên kia có thể can thiệp hoặc chất vấn chúng ta không?

 

Thực tế đây là phiên điều trần để các bên trình bày lý lẽ chứ không phải là phiên tòa xét xử mà chúng ta trình bày các chứng cứ... Trong phần tóm tắt, chúng tôi đưa ra các lý lẽ dựa trên các bằng chứng đã nêu trong phiên tòa của chánh án Jack Weinstein. Ở phiên tòa này các chánh án sẽ nêu ra các câu hỏi để có thể làm rõ thêm về vụ kiện. Phía luật sư bên kia sẽ không thể can thiệp, đặt câu hỏi hay phản bác trong khi chúng ta trình bày.

 

Do là phía kháng cáo, chúng tôi sẽ là bên được nói trước, trình bày lý lẽ chứng minh ông Jack Weinstein đã sai. Khi chúng tôi trình bày, các chánh án có thể chặn lại và đặt câu hỏi để làm rõ vụ này. Trong trường hợp này họ hỏi được càng nhiều câu càng tốt vì điều đó sẽ làm rõ vụ kiện hơn. Chúng tôi có tất cả 45 phút. Chúng tôi có thể trình bày các lý lẽ của mình trong 30 phút và rồi các công ty hóa chất sẽ trình bày lý lẽ của họ, họ cũng có 45 phút để thuyết phục quan tòa rằng chúng tôi sai. Sau đó chúng tôi sẽ có quyền được nói cuối cùng để phản bác các lý lẽ của họ trong khoảng 10-15 phút. Đó là một lợi thế khi chúng ta là bên được nói cuối cùng.

 

Rất nhiều người vẫn nghĩ rằng phiên tòa ngày 18/6 sẽ đưa ra phán quyết gì đó. Điều đó có đúng không?

 

Thực tế sẽ không có phán quyết nào vào ngày 18/6 cả. Sau khi luật sư các bên trình bày lý lẽ, các thẩm phán sẽ bảo lưu phán quyết, có nghĩa họ sẽ cần thời gian đọc lại các giấy tờ, nghiên cứu lý lẽ các bên theo ghi lại của nhân viên tốc ký, các câu hỏi và trả lời được đưa ra tại phiên tòa. Thường sẽ cần có một khoảng thời gian nhất định trước khi đưa ra quyết định. Đôi khi thời gian để đưa ra phán quyết này kéo dài rất lâu. Đây là một điều rất khó khăn khi mà sức khỏe của rất nhiều nạn nhân của chúng ta rất yếu và tôi không rõ họ có đủ sức khỏe để đi dự phiên tranh tụng tiếp theo hay không.

 

Rất tiếc là vụ án lại kéo dài như vậy. Tuy thế cần phải nói rằng việc mất tới hai năm từ phiên xét xử trước tới phiên điều trần phúc thẩm này cũng là điều không bình thường. Tôi không rõ lý do vì sao lại vậy.

 

Vậy các khả năng gì sẽ xảy ra sau phiên điều trần này?

 

Chúng ta sẽ đợi phán quyết của tòa án. Nếu tòa án ủng hộ bên nguyên, vụ kiện sẽ được trả trở lại tòa án cấp dưới của thẩm phán Jack Weinstein. Trong thực tế, dù phán quyết ra sao, bên thua sẽ đều yêu cầu tòa án xem xét lại phán quyết của mình (reconsider the decision). Vì vậy sẽ có thể có ít nhất hai kháng cáo nữa trong vụ này. Nếu chúng ta thắng, bên kia sẽ kháng cáo. Nếu chúng ta thua, chúng ta sẽ kháng cáo.

 

Trong ngày 18/6 ban hội thẩm gồm ba chánh án. Trong trường hợp xem xét lại phán quyết, sẽ có ban hội thẩm khoảng 15-20 chánh án (bao gồm cả ba chánh án này) để xem xét lại phán quyết trước đó. Trong trường hợp ban hội thẩm lớn bác đơn của chúng ta, chúng ta sẽ kiện lên tòa thượng thẩm liên bang. Tòa thượng thẩm sẽ quyết định có chấp nhận vụ này hay không. Tuy vậy luật sư của chính phủ (general solicitor) sẽ quyết định có tiếp nhận xét xử vụ của chúng ta hay không trước khi tòa thượng thẩm xét xử. Và như chúng ta biết, đây là một vụ kiện phức tạp và nhạy cảm khi luật sư của chính phủ cân nhắc có tiếp nhận hay không.

 

Các nạn nhân là Việt kiều có thể  tham gia bên nguyên?

 

Cần hiểu rằng vụ kiện được tiến hành cơ bản trên nền tảng luật quốc tế. Và trong vụ kiện này, chúng tôi dựa theo Luật ATCA (Alien Tort Claims Act - Luật bồi thường thiệt hại dân sự của người nước ngoài).

 

Theo qui định, người dân Mỹ không thể kiện theo luật này được. Vì vậy những Việt kiều đó phải tiến hành một vụ kiện riêng rẽ theo luật của liên bang. Đây là một vụ kiện tập thể, nghĩa là các nguyên đơn tham gia phải có cùng những điểm chung nhất định, vì vậy sẽ dễ hơn nếu đó là người dân của cùng một nước, cùng bị nhiễm giống nhau...

 

Ngay trước phiên điều trần của chúng ta cũng sẽ có phiên điều trần của 16 cựu binh Mỹ kiện các công ty hóa chất Mỹ. Vụ kiện của họ sẽ ảnh hưởng đến vụ kiện của chúng ta chứ?

 

Vụ kiện trước của họ bị bác vì thẩm phán Jack Weinstein cho rằng các công ty kia là nhà thầu của chính phủ, trong khi chính phủ được quyền miễn trừ nên các công ty không làm sai. Luật sư của các cựu chiến binh sẽ bác lại rằng chính phủ có đặt mua thuốc diệt cỏ của các công ty nhưng không phải là các loại thuốc diệt cỏ có chất độc dioxin. Chúng tôi cũng sẽ sử dụng luận điểm đó trong phiên tòa của mình. Ngoài luận điểm đó, chúng tôi còn chỉ ra rằng sự bảo vệ các nhà thầu của chính phủ không áp dụng đối với luật quốc tế.

 

Có sự liên kết giữa hai vụ kiện khi cả hai cùng kiện các công ty đã cung cấp thuốc khai quang, diệt cỏ có chất độc. Các công ty này đã biết về tác hại của các chất độc có trong các thuốc diệt cỏ này khi được sử dụng trong cuộc chiến tại VN. Và vì họ biết rằng ở đó có chất độc, họ biết cách để giảm nồng độ dioxin (nhưng đã không làm vì lý do lợi nhuận). Thay vì hạ nhiệt độ với một qui trình lâu hơn để giảm nồng độ dioxin, họ làm qui trình nhanh trong nhiệt độ cao để tối đa hóa lợi nhuận và kết quả là có rất nhiều nồng độ dioxin ở đó.

 

Ngoài ra, một liên quan nữa là chúng ta có sử dụng luận điểm của phía các cựu binh rằng các công ty không thể dùng quyền miễn trừ của chính phủ do đã không tuân thủ theo các yêu cầu đặt hàng của chính phủ. Họ cung cấp thuốc độc thay vì chất diệt cỏ an toàn. Họ cũng không thông báo với chính phủ những gì họ biết về chất độc dioxin.

 

Như vậy nếu vụ việc của họ bị bác thì vụ của chúng ta cũng bị bác?

 

Có khả năng tòa bác vụ của các cựu binh trên cơ sở rằng công ty chỉ theo yêu cầu của chính phủ, trong khi vụ của chúng ta vẫn có thể tiếp tục do còn trên căn cứ rằng việc sử dụng chất độc da cam là đi ngược lại với luật pháp quốc tế, đó là chất độc, sử dụng quá nhiều chất độc.

 

Tuy vậy đó chỉ là giả thuyết trên giấy tờ vì thường rất khó để các thẩm phán bác đơn kiện của các cựu binh Mỹ và tiếp tục với vụ kiện của các nạn nhân VN. Sẽ rất ngây thơ nếu nghĩ vậy.

 

Xin cảm ơn luật sư.

 

Vẫn còn đó bóng ma của chiến tranh

 

Không phải lần đầu tiên công chiếu tại Mỹ, nhưng buổi chiếu phim Bóng ma cuối cùng của chiến tranh tối 11/6 vẫn gây rất nhiều xúc động ở khán phòng tại Trung tâm chiếu phim Cantor thuộc Đại học New York (Mỹ). Khán giả đã vỗ tay rất lâu trước khi ánh đèn bật sáng trước những đôi mắt đỏ hoe vì xúc động.

 

Được quay tại VN, Pháp và Mỹ, bộ phim tái hiện một trong những cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử cùng với những ảnh hưởng lên những người bị phơi nhiễm và con cái họ. Tờ New York Newsday gọi đây là cuốn phim “phải xem” và là một “vũ khí mạnh để khởi động cuộc đối thoại rất cần ở Mỹ về chất độc da cam”.

 

Hình ảnh của những nạn nhân dioxin, gia cảnh họ, tiếng khóc của những người mẹ thật sự đã gây một ấn tượng mạnh cho khán giả. Bộ phim cung cấp chứng cứ rằng ngay từ năm 1948 ở Nitro (West Virginia), khi một vụ nổ xảy ra làm 200 công nhân của công ty này bị bệnh thì đến năm 1953 người ta đã xác định được rằng  dioxin là chất độc nhất trong các hóa chất.

 

Công chúng không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy hình ảnh nhỏ bé của bà Nguyễn Thị Phi Phi, nhân chứng đơn độc lẻ loi tại phiên tòa đầu tiên của các nạn nhân da cam, đối lập hẳn với 30 luật gia sang trọng, chỉnh tề của các công ty hóa chất. Bộ phim đưa ra chứng cứ rằng Chính phủ Mỹ - đã có được những báo cáo từ ngay năm 1965 về tác hại của chất độc nhưng không làm gì để cứu giúp họ. Cả Chính phủ Mỹ và các công ty đều biết tác hại của chất độc này nhưng như một quan chức nói “chúng tôi biết có chất độc, nhưng vì đó là để đối phó với kẻ thù của chúng ta...”, tất cả khán giả đã ồ lên phản đối khi nghe “lý luận” này.

 

Ngay sau buổi chiếu phim, nhà văn Vinie Burrows - một nhà hoạt động nổi tiếng ở Mỹ - đã rút ngay chiếc khăn choàng cổ và đề nghị mọi người trả giá 500 USD để đóng góp cho các nạn nhân chất độc da cam. Xúc động hơn cả là hình ảnh hai bé gái 10 tuổi Katrina và Essacson mang lên những chiếc vòng cổ, vòng đeo tay do các em tự làm để đưa ra đấu giá. Các em đã trả lời rất hồn nhiên nhưng nghiêm túc rằng “vì lý do gì chúng ta không giúp các nạn nhân đó...”.

 

Theo Thanh Tuấn

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Nạn nhân da cam sang Mỹ