Bình Dương:

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký

(Dân trí) - Đã 4 ngày kể từ khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm lật tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn, các cơ quan chức năng có liên quan vẫn tổ chức nhiều cuộc họp khẩn, song “quả bóng” trách nhiệm vẫn chưa được xác định.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1736/Lat-nha-hang-noi-2-tang-o-Binh-Duong.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Lật nhà hàng nổi 2 tầng ở Bình Dương</b></a>

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 1
Cuộc họp giữa các ban ngành diễn ra “bí mật” tại trụ sở Sở GTVT Bình Dương

Sáng 25/5, tại trụ sở Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương diễn ra cuộc họp “bí mật” giữa Cục đăng kiểm, Vụ an toàn, Vụ Vận tải, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, UBND tỉnh Bình Dương, Sở GTVT, Ban An toàn giao thông tỉnh và các ban ngành có liên quan của tỉnh Bình Dương xung quanh vấn đề về vụ chìm tàu Dìn Ký khiến 16 người thiệt mạng.

Đến 12h30 cùng ngày, cuộc họp kết thúc. Tuy nhiên, mọi thông tin chính liên quan đến nguyên nhân vụ chìm tàu và “quả bóng” trách nhiệm vẫn chưa được tiết lộ.

Trả lời báo chí sau cuộc họp, ông Cao Kim Phụng - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phụ trách phía Nam - cho biết, tất cả mọi vấn đề có liên quan đến vụ chìm tàu đang được điều tra.

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 2
Ông Cao Kim Phụng cho biết vẫn chưa rõ trách nhiệm thuộc ngành nào

“Chúng tôi đến họp để ghi nhận biên bản ban đầu của vụ chìm tàu rồi mang kết quả về trình lên lãnh đạo Bộ GTVT xin ý kiến chỉ đạo, xử lý rõ ràng. Sai phạm ngành nào, ngành đó phải chịu trách nhiệm” - ông Phụng khẳng định.

Theo một cán bộ ngành đường thủy nội địa Việt Nam, tàu của doanh nghiệp Dìn Ký đã từng bị xử phạt, buộc ngừng hoạt động tại bến đậu này nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Về việc này, rõ ràng phải xem về trách nhiệm của khâu quản lý và cấp phép. Nếu quản lý chặt, kiên quyết thì bến tàu này không thể hoạt động “lậu”.

Ngoài ra, ông Phụng còn cho biết về việc quản lý nhà nước đối với tàu du lịch hiện nay khá chồng chéo. Cụ thể, quản lý về mặt vận tải là do ngành giao thông quản lý; còn việc tàu đó có được hoạt động du lịch hay không, hoạt động thế nào lại do ngành du lịch và địa phương quản lý. Chính từ việc quản lý chồng chéo này sẽ dẫn đến hệ quả phương tiện không đảm bảo an toàn, bị bỏ sót và khó quy trách nhiệm nếu để sự cố xảy ra.

Cũng theo ông Phụng, sau vụ tai nạn ở vịnh Hạ Long (xảy ra vào ngày 17/2/2011 làm 12 người chết), Bộ GTVT và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng thông tư liên tịch để quản lý tàu thuyền du lịch.

Trong một diễn biến khác, khoảng 9h sáng 25/5, tàu Dìn Ký số hiệu BD - 0394 đã được kéo về cảnh Bà Lụa (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nhằm phục vụ công tác khám nghiệm các thông số kỹ thuật của con tàu.

Đến 13h chiều cùng ngày, PV Dân trí có mặt tại cảnh Bà Lụa và ghi lại một số hình ảnh của con tàu định mệnh này.

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 3
Tàu Dìn Ký neo đậu tại cảng Bà Lụa

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 4
Một số hình cận cảnh bên trong con tàu

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 5
Khoang máy của tàu

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 6
Máy phát điện vẫn nằm bên trong

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 7
Buồng lái của tài công

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 8
Tầng 2 của tàu Dìn Ký

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 9
Một áo phao còn sót lại dính trên nóc nhà

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 10
Cầu thang lên xuống

Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký - 11
Mạn phải bị bung ra khỏi thân tàu do va đập.

Trung Kiên