1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa có tiền lệ thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Thế Hưng

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải đang trình Chính phủ phương án thu phí thí điểm 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, sở hữu, bởi việc này chưa từng có tiền lệ.

Học tập kinh nghiệm nước ngoài

Tại Việt Nam, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, sở hữu chưa từng xảy ra. Thế nhưng, theo kinh nghiệm của một số nước có hệ thống đường bộ cao tốc phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... mạng lưới đường bộ cao tốc đều được tổ chức thu tiền để thu hồi vốn và có nguồn cho việc quản lý, vận hành, bảo trì và tái đầu tư vào các dự án đường cao tốc xây mới.

Theo đó, tại Trung Quốc, từ năm 1984-2020, nước này có 161.000km đường bộ cao tốc quốc gia bao phủ đến 99% thành phố, trung tâm hành chính (có dân số trên 200.000 người). Vốn xây dựng chủ đạo là vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương/địa phương.

Chính phủ Trung Quốc thực hiện thu các loại thuế, phí để hoàn vốn và tái đầu tư như: phí đường bộ, thuế mua phương tiện giao thông và thuế nhiên liệu... Trong đó, phí đường bộ cao tốc thông qua trạm thu phí chiếm tới 80%. Nguồn thu phí này chủ yếu sử dụng cho vận hành và hoàn vốn, một phần sẽ sử dụng tái đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng tuyến đường mới.

Chưa có tiền lệ thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư - 1

Đề xuất thu phí 9 tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước (Ảnh minh họa: Nam Anh).

Tại Mỹ, các tuyến đường bộ được sở hữu, xây dựng, vận hành và bảo trì bởi Chính phủ. Chính phủ hoặc chính quyền các tiểu bang thành lập công ty Nhà nước và cho phép phát hành trái phiếu được bảo lãnh bởi Chính phủ. Cổ phần của các công ty này sẽ không được bán cho khối tư nhân.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số nước trên thế giới khi đầu tư phát triển đường cao tốc từ nguồn lực công đã tổ chức thu phí qua trạm để vận hành, bảo trì, hoàn vốn và đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới cao tốc.

Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), những năm qua đối với các tuyến đường bộ do Nhà nước đầu tư (chưa thu phí) ngân sách chỉ cân đối được khoảng 830 triệu đồng/km đường cao tốc. Cơ bản mới đáp ứng được yêu cầu quản lý, vận hành và bảo trì thường xuyên.

Trong khi đó, kinh phí kiểm toán an toàn và sửa chữa định kỳ chưa được bố trí đúng thời hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tốc độ khai thác.

Bộ GTVT dự kiến đến năm 2025, trường hợp 1.624km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, yêu cầu kinh phí cho quản lý, bảo trì sẽ rất lớn. Tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021-2025 là 9.067 tỷ đồng, bình quân 1.813 tỷ đồng/năm.

Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam, các phương tiện lưu thông trên cao tốc sẽ tiết kiệm được trung bình 1.500-1.600 đồng/PCU/km. Trong đó, 30% là tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 70% đến từ tiết kiệm chi phí thời gian hàng hóa, hành khách.

"Do đó, khi sử dụng đường cao tốc, người tham gia giao thông trả thêm một khoản phí để sử dụng chất lượng dịch vụ tốt hơn, được hưởng lợi ích cao hơn so với đường bộ thông thường", Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nhận định.

Áp dụng cơ chế thu phí

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, trên cả nước có 12 tuyến cao tốc thực hiện thu tiền theo cơ chế giá. Mức thu dao động từ 1.000-1.200 đồng/PCU/km, trung bình 1.652 đồng/PCU/km.

Về công nghệ thu, có 14 hệ thống thu phí trên đường cao tốc đã áp dụng thu phí điện tử không dừng theo công nghệ RFID. Trong đó có 11 hệ thống thu phí do đơn vị vận hành tuyến cao tốc vận hành và 2 hệ thống thu phí do nhà cung cấp dịch vụ thu phí vận hành.

Theo Bộ GTVT, thu phí sử dụng đường bộ hiện nay vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (cơ chế phí) và thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh theo quy định của pháp luật về giá (cơ chế giá).

Tuy nhiên, về cơ chế phí, danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ có quy định về một loại phí là "Phí sử dụng đường bộ". Nhưng quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý lại chưa có.

Chưa có tiền lệ thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư - 2

Thu phí trên các cao tốc do Nhà nước đầu tư áp dụng theo cơ chế phí (Ảnh minh họa: Thế Hưng).

Xét trên cơ chế giá, Bộ GTVT cho rằng, luật phí và lệ phí quy định về danh mục sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá thì: phí sử dụng đường bộ được chuyển sang giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.

Như vậy, việc áp dụng cơ chế giá để thu tiền sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư chỉ được thực hiện đối với các Dự án xây dựng đường bộ để kinh doanh (hiện nay là các dự án đầu tư theo hình thức PPP).

Vì thế, theo Bộ GTVT, hiện nay chưa có quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu và quản lý. Các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư không được quy định là dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ GTVT đã thống nhất với bộ, ngành đề xuất thí điểm thu tiền sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Nguyên tắc xây dựng cơ chế áp dụng theo các quy định về cơ chế phí.

Phương án triển khai theo Bộ GTVT là thu phí sử dụng thông qua trạm thu phí, áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Đối tượng áp dụng là 9 tuyến Cao Bồ - Mai Sơn (2.026 đồng/km); Mai Sơn - QL45 (2.026 đồng/km); QL45 - Nghi Sơn (2.026 đồng/km); Nghi Sơn - Diễn Châu (1.334 đồng/km); Cam Lộ - La Sơn (1.845 đồng/km); Vĩnh Hảo - Phan Thiết (3.283 đồng/km); Phan Thiết - Dầu Giây (3.539 đồng/km); cầu Mỹ Thuận 2 (2.026 đồng/km) và TPHCM - Trung Lương.

Xe khách trên 30 ghế có mức thu cao nhất, dao động từ 8.944 - 14.781 đồng/km.

Việc thu phí sẽ được tiến hành ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua. Thời gian thực hiện thí điểm theo cơ chế phí tối đa 5 năm kể từ thời điểm tuyến đường bộ được triển khai thu phí.

Sau thời gian thí điểm, Bộ GTVT sẽ đánh giá và đề xuất cơ chế phù hợp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm