1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch UBND TPHCM nhận thêm nhiệm vụ mới

Q.Huy

(Dân trí) - Theo quyết định mới, ông Phan Văn Mãi sẽ làm Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và Nghị định 84 về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực.

Ngày 7/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã ký quyết định thành lập Tổ công tác nhằm triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị định 84 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền thành phố.

Theo quyết định này, ông Phan Văn Mãi sẽ đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng tổ công tác. Các tổ phó bao gồm bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, và ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ.

Chủ tịch UBND TPHCM nhận thêm nhiệm vụ mới - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: H.Q.).

Các thành viên của tổ công tác bao gồm lãnh đạo Văn phòng UBND TPHCM và các sở, ngành, địa phương, công ty Nhà nước trên địa bàn.

Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết 98 và Nghị định 84; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các nội dung, đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tổ công tác cũng theo dõi, hướng dẫn thực hiện thống nhất các quy định có liên quan khi thực hiện thí điểm. Căn cứ thực tiễn, Tổ công tác sẽ kịp thời rà soát đối với các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết 98 và Nghị định 84.

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực từ ngày 1/8. Với 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có những nội dung mới, chưa từng có trong các dự thảo luật, nghị quyết được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ pháp lý mạnh mẽ để đầu tàu kinh tế của cả nước phá vỡ những trở lực, tạo xung lực bứt phá trong giai đoạn tới.

Nghị định 84 quy định về nội dung thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền TPHCM (HĐND và UBND TPHCM). Nghị định thí điểm phân cấp quản lý trên 8 lĩnh vực là quản lý Nhà nước về đầu tư; quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường; quản lý Nhà nước về giao thông vận tải; quản lý Nhà nước về y tế; quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo; quản lý Nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp; quản lý Nhà nước về nội vụ.