1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch TPHCM đưa ra 5 đề xuất phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Q.Huy Tâm Linh

(Dân trí) - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận có thể tiêu tốn đến 50% nguồn lực quốc gia cho vùng Đông Nam Bộ, nhưng sau đó vùng sẽ góp lại nhiều hơn thế.

Chiều 26/11, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, chủ trì hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng với chủ đề tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch TPHCM đưa ra 5 đề xuất phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị chiều 26/11 (Ảnh: VGP).

Đại diện cho địa phương đầu tàu của vùng Đông Nam Bộ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế mà quốc gia phải đầu tư vào. 

Từ đó, Chủ tịch TPHCM nhìn nhận, đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hay vùng Đông Nam Bộ, cần chọn kịch bản phát triển cao. Trong đó, các địa phương và liên ngành phải rà soát, chạy lại các đầu số, phải nghiên cứu toàn bộ điều kiện để có sự tăng trưởng, phát triển theo kịch bản cao.

"Từ đây đến năm 2030, chúng ta có thể chấp nhận tăng trưởng 7-8%, nhưng sau đó phải có mức tăng trưởng lên hai con số và hai con số này sẽ bền vững 10-20 năm sau", ông Mãi nhấn mạnh, đồng thời cho rằng không cần đặt lại vấn đề cơ chế vùng nữa mà gọi là cơ chế đặc biệt quốc gia cho vùng.

Tiếp đó, ông Mãi đưa ra 5 ý kiến cụ thể về công cuộc phát triển vùng.

Trước hết, ông Mãi nhìn nhận TPHCM cùng các địa phương đang hướng đến đa công nghiệp, công nghiệp cao, cần được đầu tư hạ tầng và kết nối các nguồn lực, do đó cần cách tiếp cận đột phá hơn những gì đang làm.

Thứ hai, ông Mãi cũng đặt vấn đề về phân vùng không gian kinh tế, xem xét xác định vùng Đông Nam Bộ theo hướng nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hay là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.

"Tôi cho rằng chúng ta cần mạnh dạn xác định đây là vùng công nghiệp - dịch vụ. Kể cả đối với hướng nông nghiệp, thì cũng cần tính tương quan giữa Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, chứ không bó hẹp ở góc độ tỉnh, thành công nghiệp mạnh TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai nhìn sang nông nghiệp ở Bình Phước, Tây Ninh", ông Mãi trình bày.

Chủ tịch TPHCM đưa ra 5 đề xuất phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - 2

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hoàng Quy).

Chủ tịch TPHCM mong muốn cần có sự mở rộng không gian kinh tế của vùng Đông Nam Bộ với vai trò của khoa học, công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao; từ đó lan tỏa các vùng khác và cả nước, đồng thời, tiếp nhận nguồn lực từ khu vực và thế giới.

Trên tinh thần đó, 4 địa phương TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cần được đặt lại cho đúng vị thế một tứ giác kinh tế năng động bậc nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, sau đó lên tầm châu Á và thế giới. Dĩ nhiên, đi cùng với đó cần có sự đầu tư đường lối, cơ chế, chính sách, nguồn lực, con người...

Thứ ba về không gian đô thị, ông Mãi cho rằng vùng Đông Nam Bộ phải là đô thị công nghiệp dịch vụ trên nền tảng đô thị tri thức sáng tạo và đô thị thông minh. "Tôi nghĩ Đông Nam Bộ hoàn toàn có điều kiện để phát triển theo mô hình này", ông Mãi nói.

Thứ tư về trục của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, ông Mãi đề xuất đây có thể là trục chính của vùng, cần được nghiên cứu kỹ vì rất có tiềm năng để lấy làm trung tâm phát triển của vùng.

Trong đó, không chỉ có nguồn nước, sinh thái cảnh quan mà còn có thể phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp xoay quanh hệ thống sông này. Ông Mãi cho rằng nếu nghiên cứu kỹ các không gian này sẽ giúp vùng Đông Nam Bộ "sắc nét", thực hiện được vai trò đầu tàu.

Cuối cùng, về giao thông kết nối vùng và nội vùng, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị nên đặt đường sắt kết nối vùng thành một mạng lưới và thậm chí mạng lưới này chi phối cả phát triển đô thị, công nghiệp và hạ tầng logistics; đồng thời chuyển đổi mô hình quản lý hành chính của vùng.

Bên cạnh đó, trong giao thông kết nối vùng với bên ngoài, đường hàng không có sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu, sân bay Long Thành hình thành thời gian sắp tới, có khả năng phát triển với các công năng đa dạng, không chỉ là vận tải hành khách, hàng hóa mà còn phục vụ cho các dịch vụ khác.

"Chúng ta không nên ngần ngại mà hạn chế năng lực phát triển của hệ thống cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và cả cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, thậm chí có thể nhân đôi, nhân ba năng lực này, để đủ sức tạo động lực hạ tầng, nhằm kết nối với vùng đồng bằng sông Cửu Long hay ra miền Trung", ông nói.

Chủ tịch TPHCM nhấn mạnh giao thông kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long hay với Tây Nguyên, duyên hải miền Trung là một việc rất quan trọng. Bởi vùng Đông Nam Bộ được xác định là đầu mối lớn, là đầu tàu, có tầm vóc khu vực, châu Á và thế giới.

"Với những vấn đề nêu trên, chúng ta đặt mục tiêu thực hiện từ đây đến 2030, vùng Đông Nam Bộ có thế tiêu tốn 30-50% nguồn lực quốc gia, nhưng sau đó sẽ đóng góp lại khoản tương tự như thế và nhiều hơn. Chúng ta phải chấp nhận hy sinh trong một giai đoạn, kiên trì từ đây đến 2030", ông Phan Văn Mãi kết luận.

Trong hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải thoát ra tư duy cũ, cơ chế xin - cho; đồng thời cần xem xét lại hạ tầng giao thông hiện hữu và đang triển khai từ đây tới năm 2030 đã đồng bộ, hiệu quả chưa hay cần có thêm hạ tầng giao thông khác nữa. Từ đó, mới định hình ra các tiềm năng về đô thị, công nghiệp, tránh các xung đột, chồng chéo trong quá trình phát triển về quy hoạch chung cùng lúc.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh quy hoạch thành vùng chủ công logistics quốc tế trong giao thông; trong quy hoạch đô thị nông thôn, cần tính tới chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch - văn hóa ven hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, khai thác hiệu quả quy hoạch sân bay Long Thành...

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đề nghị cần quy hoạch đường Vành đai 5 kết nối TPHCM với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Tây Nguyên. Bên cạnh đó là quy hoạch các tuyến đường sắt liên vận quốc tế kết nối với các tỉnh trên với Tây Ninh, qua Campuchia, ra cảng biển Cần Giờ, sân bay quốc tế Long Thành...