Chủ tịch TPHCM bị "truy" về vấn nạn ngập nước, dự án treo
(Dân trí) - Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND TPHCM đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM trả lời nhiều vấn đề nóng của thành phố như ngập nước, lấn chiếm vỉa hè, dự án giao thông chậm tiến độ...
20 năm chưa xong cây cầu
Ngày 8/12, kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX bước vào phiên chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đề cập đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn, đẩy người đi bộ xuống đường. Đại biểu dẫn chứng như đường Phạm Văn Đồng biến tướng, hoạt động suốt đêm ảnh hưởng giao thông cuộc sống người dân.
Vấn đề được chất vấn từ đầu nhiệm kỳ nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến. Chính quyền thành phố cũng đã hứa làm rõ trách nhiệm người đứng đầu nếu để vỉa hè bị lấn chiếm. "Vậy đến nay có lãnh đạo quận, huyện nào bị xử lý khi vỉa hè bị lấn chiếm chưa?", đại biểu Tố Trâm chất vấn.
Bên cạnh đó, đại biểu Tố Trâm cũng phản ánh tình trạng chậm tiến độ ở các dự án giao thông trọng điểm. Dự án ì ạch khiến người dân bức xúc, điển hình là các dự án khu Đông TP như cầu Tăng Long, Nam Lý, nút giao Mỹ Thủy và ngay trung tâm là cầu Thủ Thiêm 2. Thậm chí có dự án cầu 20 năm chưa xong như cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè. Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu là vấn đề giải phóng mặt bằng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết sẽ tận dụng cơ chế tại Nghị quyết 27 của Chính phủ như thế nào để giải quyết vướng mắc mặt bằng đối với dự án trên địa bàn.
Trong khi đó, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cũng mong Chủ tịch UBND TP quan tâm đến vấn đề ngập nước do triều cường vì người dân bức xúc khi cuộc sống, kinh doanh bị ảnh hưởng.
Chống ngập cần giải pháp đồng bộ
Trả lời đại biểu về lấn chiếm vỉa hè, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành ủy đã có Chỉ thị 11, sau đó UBND TP có Chỉ thị số 22. "Bước đầu đạt kết quả nhất định, không phải thành phố phát động mà không hành động", ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP cho biết với vai trò là Trưởng Ban An toàn giao thông TP, cứ 6 tháng đều sơ kết đánh giá và nhắc nhở địa phương hết sức quan tâm đến công tác vỉa hè, lề đường. Thành phố cũng giao cho quận, huyện xây dựng tuyến đường mẫu và ký cam kết thi đua.
Thực tế, việc này đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự vận động của từng chi bộ, khu phố... Việc này cũng cần có thời gian chứ không thể một sớm một chiều mà có kết quả.
"Phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị chứ chỉ chính quyền thì chấn chỉnh hôm trước hôm sau tái lại như cũ", ông Phong nói.
Về việc có kiểm điểm cán bộ, xử lý người đứng đầu hay không, Chủ tịch UBND TP cho biết, mỗi cuộc họp sơ kết, tổng kết ông đều chủ trì và xem xét việc này.
Về vướng mắc giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông, Chủ tịch UBND TP cho biết đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai theo tinh thần Nghị quyết 27.
Theo ông Phong, thời gian qua thành phố cũng đưa vào sử dụng nhiều dự án giao thông trọng điểm như ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái để giảm ùn tắc giao thông. Nhưng khó khăn nguồn vốn, giải phóng mặt bằng chậm nên nhiều dự án chậm tiến độ, ngoài ra dự án BT (xây dựng - chuyển giao) cũng gặp khó khăn.
Trong thời gian sắp tới, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đẩy nhanh các công trình dở dang; yêu cầu các chủ đầu tư, quận huyện cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng; tổ chức, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực... Thành phố sẽ tập trung khép kín đường vành đai 2, 3, xây dựng thêm một số tuyến đường sắt đô thị.
Chủ tịch UBND TP cũng phản hồi ý kiến đại biểu về tình trạng ngập nước trên địa bàn. Ông cho rằng phải phân tích được nguyên nhân để có giải pháp hiệu quả.
Thành phố bị ngập do lũ đầu nguồn, biến đổi khí hậu phức tạp; thành phố chịu mưa vũ lượng lớn, triều cường cao, sụt lún... Ngoài ra cũng có nguyên nhân từ công tác quản lý; do tốc độ đô thị hóa nhanh và nhiều tuyến đường không có cống thoát nước; công tác nạo vét đôi lúc còn bất cập; ý thức của một bộ phận người dân...
"Chống ngập phải làm đồng bộ, vừa có giải pháp công trình và phi công trình để từng bước giải quyết tình trạng ngập. Tôi từng đi kiểm tra các điểm ngập, có những nơi cống, kênh đầy rác, người dân lấn chiếm hệ thống cống...", ông Phong nói.