1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ tịch tỉnh có thời gian tiếp doanh nghiệp được, sao lại không tiếp dân?

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương nói như vậy với PV Dân trí trước thông tin 4 Chủ tịch tỉnh, thành phố không tiếp công dân trong thời gian dài.

Chủ tịch tỉnh có thời gian tiếp doanh nghiệp được, sao lại không tiếp dân? - 1

Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ (Ảnh: T.Nhi).

- Thưa ông, theo quy định của Luật Tiếp công dân thì định kỳ Chủ tịch tỉnh tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, tiếp công dân đột xuất trong các vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia; 2 ngày/tháng đối với Chủ tịch UBND cấp huyện. Nhưng tại sao nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít Chủ tịch UBND các tỉnh không tiếp công dân, mà gần nhất là 4 Chủ tịch tỉnh, thành phố (Bình Dương, Đắk Nông, Thừa Thiên - Huế, TPHCM) không tiếp dân suốt 18 tháng được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra ngày 11/10 đang gây xôn xao dư luận?

- Tôi cho rằng phải đánh giá khách quan thông tin vừa đưa ra, bởi chúng ta đều biết từ năm 2020 đến năm 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội của rất nhiều địa phương. Dịch bệnh xuất hiện cũng ảnh hưởng tới việc tổ chức tiếp dân của Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện, bởi nhiều nơi đã dành hết thời gian cho chống dịch. Một số địa phương ở vùng sâu vùng xa, công dân không có khiếu kiện hoặc khiếu kiện ít thì địa phương cũng ưu tiên cho lãnh đạo ở đó thực hiện các công việc quan trọng khác của địa phương.

Tuy nhiên, các địa phương có nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp nhưng chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện không tiếp công dân thì không thể chấp nhận được.

Những năm qua đã có nhiều cuộc thanh tra, phát hiện lãnh đạo địa phương không tiếp công dân nhưng cũng chỉ kết luận vậy thôi, vẫn chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm do không có chế tài xử lý. Cũng có một số địa phương kiểm điểm lãnh đạo, có hình thức xử lý đấy nhưng không đủ sức răn đe.

Lẽ ra, thấy việc người dân khiếu kiện, tố cáo phức tạp, đông người là phải tổ chức tiếp người dân ngay. Cấp cơ sở thấy tình hình như vậy thì phải xuống với người dân ngay. Đấy mới là có trách nhiệm.

Cũng có một số địa phương "kêu" nhiều việc, bây giờ phải ủy quyền cho cấp dưới, cấp phó, nhưng Luật Tiếp công dân đã được Quốc hội thông qua rồi. Luật "muốn" ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện tiếp công dân là vì các ông ấy kết luận vấn đề không phải xin ý kiến ai cả; đưa ra cách giải quyết hoặc chỉ đạo cách giải quyết thì mới đạt yêu cầu.

Theo cá nhân tôi, không nhất thiết chủ tịch tỉnh phải tiếp dân, giải quyết tất cả các việc mà họ chỉ giải quyết các vụ việc bức xúc, kéo dài, những việc quan tâm nhất của Tỉnh ủy, UBND, cần thiết chủ tịch UBND tỉnh phải tiếp thôi.

Cũng có những việc phải mời người dân tới trụ sở để tiếp, giải quyết những vụ việc bức xúc chứ không phải chờ dân tới.

- Thông qua các kết luận thanh tra nhiều năm qua, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, lãnh đạo sở ngành ở các địa phương không tiếp dân thời gian dài, gây bức xúc dư luận và chuyện này cứ lặp đi lặp lại…

- Tôi cho rằng có một số địa phương có luân chuyển lãnh đạo, khi cơ quan thanh tra kết luận thì chủ tịch là người khác, bây giờ lại là chủ tịch khác. Hơn nữa như tôi đã nói ở trên là không có chế tài để xử lý.

Theo Luật Tiếp công dân thì đó là việc của họ phải làm, trong một tháng phải làm việc đó, nhưng lại thiếu trách nhiệm, không coi trọng công tác tiếp công dân. Những địa phương có nhiều vụ việc khiếu kiện, tố cáo phức tạp mà chủ tịch tỉnh không tiếp dân ngày nào thì đó là thiếu trách nhiệm với người dân.

Chỉ thị 35/2014 của Bộ Chính trị, Quyết định 11/2019 của Bộ Chính trị về công tác tiếp dân, những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đều đã khá đầy đủ, rõ ràng rồi. Thậm chí, có nhiều vụ việc phải yêu cầu xem xét lại toàn diện thấu đáo, xem xét lại cả quá trình mang tính lịch sử nữa; nếu giải quyết đúng rồi mà người dân khó khăn thì vẫn cần phải hỗ trợ. Lúc đó chỉ có ông Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy mới làm được tốt hơn thôi.

Hoặc là một số nơi còn kém cỏi tới mức giao cho giám đốc sở tiếp dân thì có khác nào họ lại chỉ "ghi nhận, báo cáo", chẳng khác nào ông cán bộ tiếp dân tại trụ sở tiếp dân của tỉnh. Đấy không phải tiếp dân định kỳ của chủ tịch tỉnh mà đó là tiếp cho xong mà thôi.

Chủ tịch tỉnh có thời gian tiếp doanh nghiệp được, sao lại không tiếp dân? - 2

Ông Nguyễn Hồng Điệp trong một lần tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm, TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn).

- Từ thực tiễn tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân ở Ban Tiếp công dân Trung ương, các ông có theo dõi và "truy" đến cùng trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài?

- Có chứ. Có những việc rất khó khăn, tốn thời gian, công sức. Có những việc chúng tôi phải báo cáo với Tổng Thanh tra Chính phủ để có văn bản chỉ đạo.

Nhưng có thể thấy việc chuyển đơn thư về địa phương để người dân không phải đi qua đi lại hiệu quả cũng không được cao. Bởi lẽ có địa phương cầu thị, mời cả cán bộ ở cơ quan tiếp dân Trung ương đối thoại với người dân tại trụ sở nhưng không được "đầu ra" trọn vẹn. Cũng có nhiều công dân được giải quyết đúng rồi nhưng vẫn cố chấp, cố tình khiếu kiện lên Trung ương.

- Theo ông làm sao để xử lý những lãnh đạo địa phương "lười" tiếp công dân khi thiếu chế tài?

- Chưa có chế tài về hành chính thì như tôi đã nói nhiều lần ở các hội nghị là phải kiểm điểm các chế tài liên quan đến hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Nếu không làm thế thì cấp ủy, chi bộ phải kiểm điểm, có hình thức xử lý.

Nếu năng lực chuyên môn kém thì tốt nhất không nên xếp làm lãnh đạo. Chủ tịch tỉnh không làm gương trong việc tiếp dân thì giám đốc sở, chủ tịch huyện họ cũng thế thôi.

- Như vậy có thể thấy việc tiếp công dân có được làm tốt, hiệu quả hay không vẫn phải xuất phát từ nhận thức, ý thức của lãnh đạo địa phương về công tác này?

- Đúng là như vậy. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người đứng đầu. Thấy dân mình đang ầm ĩ ngoài kia, đang ầm ĩ ở ngoài cơ sở thì không thể yên tâm ngồi họp được.

Đầu tiên phải xuất phát từ ý thức, trách nhiệm tự giác và sự nhiệt tình trước người dân. Kết quả tiếp công dân của Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh có thể không giải quyết được ngay nhưng người dân thấy được sự tôn trọng, thấy người lãnh đạo địa phương đã nắm bắt, lắng nghe người dân nói.

Nếu người dân thấy người đứng đầu tiếp rồi, nói đã áp dụng đầy đủ quy định pháp luật rồi, không còn cái gì khác để xử lý, thì việc vận động người dân cũng có thể dễ hơn là cán bộ cấp dưới làm công tác tiếp công dân thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm