DMagazine

Chủ tịch Quốc hội: "Tôi không ngại tường thuật trực tiếp các phiên họp"

(Dân trí) - "Với việc truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên thảo luận ở Quốc hội, cá nhân tôi không ngại chuyện này, chỉ có việc cần thiết hay không cần thiết thôi", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Quan điểm này được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ trong cuộc phỏng vấn rất cởi mở với phóng viên Dân trí nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Năm 2023 và quá nửa nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã ghi dấu ấn với rất nhiều điều đặc biệt, mang đậm tinh thần chủ động, đổi mới, không "bắc nước sôi chờ gạo".

Chủ tịch Quốc hội: Tôi không ngại tường thuật trực tiếp các phiên họp - 1

Quá nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trôi đi với rất nhiều điều đặc biệt, những kỳ họp bất thường nhiều gần bằng các kỳ họp thông lệ cùng hàng loạt quyết sách chưa từng có tiền lệ. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông có cảm xúc gì, đặc biệt với năm 2023?

- Tôi cứ đi "vi vu" khắp nơi (cười). Từ "ông nông thôn mới" (Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp, nông dân, nông thôn - PV), chuyển về Thành ủy Hà Nội khi "chưa có kinh nghiệm làm Bí thư" ngày nào. Nhưng nhiệm vụ được phân công thì phải chấp hành.

Khi được Đảng, Nhà nước giới thiệu và Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XV, tôi thấy rất vinh dự, dù áp lực khi nhận trọng trách ấy không hề nhỏ.

Nhận nhiệm vụ vào một giai đoạn đặc biệt, càng phải cố gắng nhiều hơn, ứng biến với những điều "chưa từng có tiền lệ" một cách linh hoạt, lấy cái bất biến ứng phó với cái vạn biến. Áp lực trong việc ấy đương nhiên là có, nhưng có áp lực thì cũng có động lực. Sau quá trình nỗ lực nhìn lại, thấy hoạt động của Quốc hội được Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân ghi nhận, đó là niềm hạnh phúc rất lớn. Đó cũng là lý do tôi sẵn sàng đón nhận áp lực, chấp nhận thách thức, là cơ hội để thử sức mình.

Chủ tịch Quốc hội: Tôi không ngại tường thuật trực tiếp các phiên họp - 3

Còn năm 2023 có thể nói là một năm khối lượng công việc của Quốc hội lớn nhất từ đầu khóa tới nay.

Theo Hiến pháp, Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ, nhưng riêng năm 2023 có 5 kỳ họp, gồm 2 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường.

Có lẽ trong lịch sử 78 năm của Quốc hội, chưa năm nào nhiều kỳ họp như thế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài 12 Phiên họp thường kỳ hàng tháng cũng họp bổ sung 2 phiên chuyên đề pháp luật và 5 Phiên họp khác, tổng cộng là gần 20 Phiên, chưa kể các hội nghị toàn quốc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì hoặc phối hợp tổ chức.

Nhiều người hỏi chúng tôi vì sao ngày lễ, ngày Tết mà Quốc hội vẫn làm việc, đêm khuya vẫn sáng đèn? Nhưng với khối lượng công việc như vậy, nếu không làm thì làm sao đáp ứng được. Việc trình các dự án luật, nghị quyết nửa đêm về sáng là chuyện bình thường vì thực tế cấp bách.

Bản thân anh em chúng tôi không muốn vất vả như thế, cũng không muốn đại biểu Quốc hội, cán bộ công nhân viên Văn phòng Quốc hội vất vả nhưng vì việc chung, mỗi người đều phải cố gắng gấp đôi, gấp ba, làm được như vậy rất khó, không dễ dàng gì, nhưng tất cả đều thấy vui vì đã được đóng góp cho đất nước.

Chủ tịch Quốc hội: Tôi không ngại tường thuật trực tiếp các phiên họp - 5
Chủ tịch Quốc hội: Tôi không ngại tường thuật trực tiếp các phiên họp - 7

Câu chuyện "đưa vào, rút ra" trong xây dựng luật có lẽ sẽ là một câu chuyện được nhắc nữa, nhắc mãi. Trong năm 2023 cũng đã có những dự án luật, nghị quyết rất quan trọng được trình rồi rút như vậy. Theo ông, câu chuyện này phản ánh thực trạng gì?

- Quốc hội tiếp tục tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo, phát triển, có tầm nhìn dài hạn trên cơ sở bám sát Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội 2021- 2026.

Riêng năm 2023, Quốc hội đã ban hành và cho ý kiến 26 dự án luật, trong đó thông qua 16 dự án luật, cho ý kiến 10 dự án luật khác; thông qua 6 nghị quyết như luật (nghị quyết có quy phạm pháp luật).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua một pháp lệnh và 10 nghị quyết như pháp lệnh. Như vậy tới nay, có 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ đã được hoàn thành, chiếm 83% khối lượng công việc cả nhiệm kỳ.

Thực tế cuộc sống phong phú, đa dạng nên đương nhiên có nhiệm vụ lập pháp thêm mới, có nhiệm vụ rút ra khỏi chương trình hàng năm. Có những việc tôi nghĩ nếu sau này nghỉ hưu và viết hồi ký, có khi sách bán cũng "đắt" khách đấy (cười).

Chủ tịch Quốc hội: Tôi không ngại tường thuật trực tiếp các phiên họp - 9

Trước kỳ họp thứ 6, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa vào chương trình dự thảo nghị quyết Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nghị quyết của Quốc hội về cho phép áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Với nội dung thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp một lần đã kết luận, đồng ý trình Quốc hội, nhưng nội dung thứ hai, họp 2 lần cũng không thông qua được để trình, vì việc lập dự toán ngân sách hàng năm, chi tiền hỗ trợ cho các tập đoàn để thu hút đầu tư là chưa có tiền lệ trên thế giới.

Do đó, ngay tại phiên họp trù bị, chúng tôi đã kiến nghị Quốc hội cho rút dự thảo nghị quyết về thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, chỉ trình nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu và được Quốc hội đồng ý.

Nhưng một tuần sau, các tập đoàn đa quốc gia gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội, đề nghị không thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu một cách riêng lẻ, mà phải thông qua đồng thời cả hai nghị quyết, nếu không nên hoãn lại.

Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép rút cả 2 dự thảo nghị quyết này. Nhưng sau đó, các tập đoàn đa quốc gia lại thay đổi ưu tiên, đề nghị nếu chưa có nghị quyết hỗ trợ đầu tư vào công nghệ cao, đề nghị thông qua sớm nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu.

Họ lo tranh chấp về mặt pháp lý, vì phải làm nghĩa vụ thuế ở nhiều nước là rất phức tạp ảnh hưởng tới việc lập kế hoạch tài chính và phương án nộp thuế của các doanh nghiệp từ năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội: Tôi không ngại tường thuật trực tiếp các phiên họp - 11

Trước tình thế đó, trong ngày nghỉ đầu tiên giữa hai đợt họp, tôi làm việc với các cơ quan, gợi ý trình nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp và thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chính bằng nguồn này chứ không chi bằng dự toán ngân sách Nhà nước, nên được các cơ quan đồng ý. Thủ tướng khi biết tin cũng phấn khởi lắm, nửa đêm còn gọi điện chia sẻ với tôi.

Sau đó, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lại xin Quốc hội đưa trở lại chương trình. Trước hết là xin đưa trở vào việc thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, để giành quyền đánh thuế bổ sung, chống xói mòn cơ sở thuế.

Riêng vấn đề này, năm tới chúng ta thêm được khoảng gần 15.000 tỷ đồng mà nếu không có nghị quyết, không thu được khoản tiền này.

Đồng thời, các cơ quan cũng trình Quốc hội đồng ý chủ trương cho lập quỹ hỗ trợ đầu tư chính từ nguồn này và các nguồn lực khác, giao Chính phủ xây dựng Nghị định quy định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Quyết sách này được dư luận đánh giá rất cao, nhiều tập đoàn đa quốc gia gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội hết sức hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ và Quốc hội. Họ nói rất yên tâm, cam kết sẽ đầu tư lâu dài, kêu gọi các tập đoàn khác vào và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đó là điển hình của câu chuyện "kéo pháo vào và kéo pháo ra" trong làm luật, nhưng là để ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và kiến tạo phát triển. Bản thân Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn phương án tối ưu.

Chủ tịch Quốc hội: Tôi không ngại tường thuật trực tiếp các phiên họp - 13

Có một điểm khác biệt khá rõ nét, là trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, thời lượng truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng được tăng lên nhiều. Bên cạnh mục tiêu để thông tin rộng rãi hơn, đảm bảo các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, ông có khi nào cảm thấy e ngại việc truyền hình trực tiếp có thể đem đến một "sự cố" nào đó?

- Quốc hội là cơ quan dân cử nên tương tác với cử tri, người dân là việc rất quan trọng. Ngoài tường thuật trực tiếp một số phiên làm việc của Quốc hội trên các cơ quan truyền hình, thông tấn Trung ương, thời gian gần đây Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo với Quốc hội quyết định mở rộng việc truyền hình, phát thanh trực tiếp một số phiên thảo luận, nhất là thảo luận dự án luật.

Việc này một mặt nhằm minh bạch, công khai hoạt động Quốc hội, và cũng là một hình thức để cử tri và nhân dân giám sát hoạt động Quốc hội và đại biểu do mình bầu ra.

Kết quả của việc này tương đối tốt, dù có những phiên thảo luận cho truyền hình trực tiếp cũng "tương đối nhạy cảm". Cá nhân tôi không ngại gì chuyện này, chỉ có việc cần thiết hay không cần thiết thôi. Tôi cũng không ngại sự cố gì, mà chỉ lo Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động của mình có đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân không?

Chủ tịch Quốc hội: Tôi không ngại tường thuật trực tiếp các phiên họp - 15

Ví dụ, nếu tổ chức một phiên truyền hình trực tiếp mà số lượng đại biểu đăng ký phát biểu ít quá, nhân dân và cử tri sẽ đánh giá như thế nào về hoạt động của Quốc hội? Nhưng thực tế chưa xảy ra hiện tượng này.

Có những phiên thời gian bố trí chỉ đủ 1/5 số đại biểu đăng ký được phát biểu, tranh luận. Còn các phiên chất vấn thì không bao giờ đủ thời gian khi số đại biểu đăng ký rất nhiều.

Ông từng chia sẻ Quốc hội muốn đổi mới thêm dù nửa bước cũng rất khó khăn, nhưng không thể dừng lại. Với một cơ chế tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách còn hạn chế như hiện nay, áp lực đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của Quốc hội được đặt ra như thế nào, thưa ông?

- Tôi từng nói, các khóa trước quá thành công rồi nên việc kế thừa, giữ được phong độ đã khó, tiếp tục đổi mới và tiến lên phía trước dù nửa bước càng khó hơn, nhưng không được phép dừng lại.

Chất lượng và hiệu quả hoạt động Quốc hội được thể hiện và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất và có vai trò trung tâm, đó là chất lượng đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu chuyên trách.

Chủ tịch Quốc hội: Tôi không ngại tường thuật trực tiếp các phiên họp - 17

Khóa XV được quy hoạch 133 đại biểu chuyên trách nhưng chuẩn bị không đủ. Rút kinh nghiệm, lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội khóa XV đề nghị tất cả Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng, cơ quan Trung ương và tất cả tỉnh ủy, thành ủy giới thiệu nhân sự cho Quốc hội, vào các chức danh đại biểu chuyên trách, ủy viên chuyên trách, ủy viên thường trực, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội.

Kết quả đem lại ngoài mong đợi, có gần 1.000 nhân sự được các bộ ngành, cơ quan đã giới thiệu cho Quốc hội.

Qua quá trình sàng lọc, đã lựa chọn 300 người trong số đó để bổ sung vào nguồn quy hoạch đại biểu Quốc hội khóa tới. Hàng nghìn người được giới thiệu đều là "tinh hoa", trong đó có một số đang là đại biểu đương chức, nhất là các phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, rồi nhiều lãnh đạo, kể cả cấp thứ trưởng trong Quân đội, Công an và các ngành, các cấp.

Khóa này chất lượng đại biểu đã tốt, khóa sau phải chu đáo, đầy đủ hơn, bởi chất lượng đại biểu quyết định chất lượng hoạt động Quốc hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung: Hoài Thu

Thiết kế: Đức Bình