Sinh viên diện váy ngắn, áo hở, trường đại học đồng loạt "siết" trang phục

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Từ những chiếc váy ngắn trên gối đến áo khoét sâu gợi cảm, trang phục của sinh viên đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều trường đại học. Hàng loạt quy định siết chặt được ban hành.

Sinh viên diện váy ngắn, áo hở, trường đại học đồng loạt siết trang phục - 1

Hình ảnh một nhóm nữ sinh mặc trang phục không phù hợp từng gây tranh luận trên mạng xã hội (Ảnh: MXH).

Diện hở, coi chừng phạt

Hàng loạt trường đại học trên cả nước, đang có động thái mạnh mẽ trong việc quản lý trang phục của sinh viên. Mới đây nhất, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tái khẳng định quy định về độ dài váy, yêu cầu nữ sinh "không mặc váy quá ngắn".

Cùng với đó là những quy tắc quen thuộc về trang phục lịch sự như: Nam sinh phải bỏ áo trong quần, giày dép có quai hậu và đeo thẻ sinh viên một lần nữa được nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho hay đây là quy định đã có từ lâu, được nhắc nhở thường xuyên nhằm xây dựng môi trường văn minh, phong cách chuẩn mực, lịch sự trong trường học, đồng thời, đảm bảo kỷ luật và tác phong chuyên nghiệp cho sinh viên.

Trong khi đó, Trường Đại học Y Hà Nội cũng ban hành danh sách "đen" chi tiết các trang phục bị cấm. Trường quy định khi sinh viên đến trường học tập, thực hành và tham gia các hoạt động không được mặc những trang phục bẩn, luộm thuộm, có khả năng nhìn xuyên thấu, in hình vẽ, chữ viết phản cảm không phù hợp với môi trường giáo dục, không đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam và trái với quy định của pháp luật…

Trong danh sách cấm còn xuất hiện quần, váy ngắn lộ đầu gối, quần/váy cạp trễ, quần jean rách, áo trễ cổ, áo sát nách, áo ngắn ngang thắt lưng... Sinh viên không mang dép không có quai hậu; không nhuộm tóc màu sặc sỡ, sáng màu; không mặc trang phục trái với quy định riêng của từng hoạt động cụ thể.

Nếu vi phạm, sinh viên Đại học Y Hà Nội có thể bị trừ 1-3 điểm rèn luyện, thậm chí đối diện với các hình thức kỷ luật cao từ khiển trách tới cảnh cáo trước toàn trường.

Sinh viên diện váy ngắn, áo hở, trường đại học đồng loạt siết trang phục - 2

Một nữ sinh viên mặc váy ngắn đến trường (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Theo Trường đại học Y Hà Nội, quy định trên đưa ra nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên trong việc bảo vệ an ninh trường học, khơi dậy và phát triển lòng tự hào của sinh viên, đồng thời quảng bá hình ảnh nhà trường, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong trường học.

Tương tự, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng "chỉ mặt điểm tên" nhiều loại trang phục không được phép như quần đùi, quần soóc, quần jean rách bẩn, váy ngắn trên đầu gối, quần hoặc váy cạp trễ, trang phục ở nhà, đồ ngủ...

Danh sách "cấm tiệt" kéo dài với các loạt trang phục khác gồm: Áo quá ngắn, áo cổ quá trễ, áo hai dây, áo quây, áo ống, ba lỗ, sát nách, trang phục chất liệu voan mỏng, xuyên thấu, ren lỗ để lộ cơ thể; không được đi dép lê, dép xỏ ngón, dép bông...

Chế tài áp dụng với sinh viên vi phạm, nhân viên bảo vệ, cán bộ quản lý hoặc giảng viên có quyền từ chối cho sinh viên vào lớp học, vào trường. Tùy vào mức độ vi phạm, nhà trường sẽ đưa ra hình thức kỷ luật sinh viên theo quy chế đã đề ra.

Nhiều trường đại học khác như: Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Ngoại thương, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Cao đẳng Công Thương TPHCM... cũng có quy định về trang phục khi sinh viên đến trường.

Tranh luận văn minh học đường và cá tính sinh viên

Lý giải cho những quy định này, các trường thường nhấn mạnh đến việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nề nếp, đảm bảo tính sư phạm và góp phần định hình hình ảnh chuyên nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, điều này cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều từ phía sinh viên.

Một bộ phận sinh viên cảm thấy "khó thở" với những quy định ngày càng khắt khe. Họ cho rằng, việc quy định quá chi tiết về trang phục có thể hạn chế sự tự do cá nhân và khả năng thể hiện cá tính của bản thân.

"Em nghĩ ăn mặc lịch sự là đủ, còn thế nào là "áo cổ quá trễ" hay "áo quá ngắn" đôi khi là ý kiến chủ quan, khó đo lường", Nguyễn Vy, sinh viên Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ.

T.T., sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, bày tỏ việc quy định nam giới bỏ áo trong quần dễ tạo sự gò bó, bởi không phải ngành nghề nào sau khi ra trường cũng yêu cầu điều này.

"Mùa hè nóng bức, hoạt động nhiều, ngồi học nhiều mà phải bỏ áo trong quần miết cũng khó chịu. Em mong trường có thể nới lỏng hơn quy định, chỉ cần ăn mặc lịch sự, chỉn chu là được", T. nói.

Phía dưới phần thông báo của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, một số ý kiến cũng bày tỏ quy định giống bậc THPT và cần sao đỏ để giám sát.

Sinh viên diện váy ngắn, áo hở, trường đại học đồng loạt siết trang phục - 3

Nhiều trường đại học yêu cầu sinh viên mặc trang phục lịch sự khi đến trường (Ảnh minh họa: UIT).

Trong khi đó, không ít sinh viên lại đồng tình với việc có những quy định nhất định.

"Em thấy việc ăn mặc lịch sự khi đến trường là tôn trọng thầy cô và bạn bè. Những trang phục quá thoải mái đôi khi không phù hợp với môi trường học thuật. Giảng viên của em cũng yêu cầu sinh viên mặc quần, váy qua đầu gối", Hoàng My, sinh viên Trường Đại học Mở TPHCM bày tỏ.

Anh Nam, một sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đồng tình với quy định về trang phục đến trường: "Thực tế, có những bạn nữ mặc đồ quá ngắn, không phù hợp trong môi trường giáo dục".

Sự đồng loạt trong việc siết chặt quy định trang phục cho thấy các trường đại học ngày càng chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh và ý thức cho sinh viên.

Bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Giáo dục TPHCM, nhận định: "Tùy vào tính chất môi trường giáo dục, mỗi trường học sẽ có những quy định riêng, song điểm mấu chốt vẫn là làm sao để sinh viên hiểu và tự giác tuân thủ".

Theo bà Hải, nhà trường cần giáo dục để sinh viên hiểu và tự giác biến việc ăn mặc phù hợp trở thành một nét văn hóa tự thân, góp phần xây dựng nên một cộng đồng học thuật văn minh và tôn trọng lẫn nhau.

Tuy nhiên, bà Hải cũng cho rằng hiệu quả thực tế của những quy định này sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi trong nhận thức và ý thức tự giác của mỗi cá nhân, hơn là chỉ dựa vào những "lệnh cấm".