Ý nghĩa quan trọng của kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5

Hoài Thu
Quốc hội họp bất thường

(Dân trí) - Theo ông Vương Đình Huệ, 4 nội dung được Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đối với năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa căn cơ, lâu dài.

"Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong những ngày đầu năm mới 2024 - năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 15/1.

Theo ông Huệ, những nội dung được Quốc hội quyết định tại kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài.

Ý nghĩa quan trọng của kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 (Ảnh: Phạm Thắng).

4 nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 cũng được ông Vương Đình Huệ khái quát.

Với Dự án Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tái khẳng định đây là dự án luật lớn, rất khó và phức tạp, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước.

Dự luật này cũng có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Sau kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 05 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Đến nay, dự thảo luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18 của Trung ương, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tiếp tục cho ý kiến về dự án luật, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng, đảm bảo chất lượng cao nhất và xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Ý nghĩa quan trọng của kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5 (Ảnh: Phạm Thắng).

Với Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Huệ đánh giá cơ quan chủ trì thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến xử lý tình trạng sở hữu chéo, hạn chế việc chi phối, thao túng tổ chức tín dụng; quy định minh bạch về cơ chế tài chính, hạch toán, quản trị các tổ chức tín dụng.

Các vấn đề về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức tín dụng… cũng đã được chỉnh lý, hoàn thiện.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có nhiều nội dung chuyên sâu, tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông kỳ vọng nếu luật được thông qua sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Ngoài 2 dự thảo luận quan trọng này, kỳ họp bất thường còn xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Nghị quyết về giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng một số chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cũng tại kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp thiết về tài chính, ngân sách, bao gồm.

Trong đó có việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công; bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.