1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch Hà Nội: “Muốn làm đẹp, phải chịu đau”

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thừa nhận, còn những bất cập trong việc chỉnh trang đô thị vừa qua, nhưng ông Thảo cũng mong có sự cộng tác, bởi theo ông công việc này cũng giống như đi thẩm mỹ - phải chịu đau.

Thưa ông, việc thực hiện chỉnh trang hè phố, đường phố của thành phố vừa qua đã bộc lộ không ít những bất cập, khiến cho nhiều người dân rất bức xúc?
 
Chúng ta muốn chỉnh trang, muốn đẹp hơn thì buộc phải đào lên để làm. Đương nhiên, quá trình làm đó tạo ra mặt trái, bất cập của nó và điều này một phần do đặc tính việc chỉnh trang là phải đào bới, lấp đi, san lại, một phần do quản lý trực tiếp ở những nơi thi công đó.
 
Chủ trương của thành phố là làm đâu sạch đấy, nhưng trong thực tế không được như thế nên đã gây ra sự bức xúc. Để giải quyết vấn đề, một mặt thành phố phải điều chỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của mình, nhưng đồng thời cũng mong mọi người cùng cộng tác để thành phố có thể làm tốt hơn.
 
Nhưng việc nhiều tuyến phố tại nhiều quận cùng bị đào bới đã khiến cho thành phố rất bề bộn mà có nhiều người nói là thành phố giống như một đại công trường?
 
Chủ tịch Hà Nội: “Muốn làm đẹp, phải chịu đau” - 1
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo
 
Việc chỉnh trang vừa qua đã thành một chủ trương phát động trong tất cả các quận, phường: nhà chỉnh trang nhà, đường chỉnh trang đường, ngõ chỉnh trang ngõ… Chúng ta phải chấp nhận một giai đoạn như thế, còn nếu làm thật sự bài bản thì thời gian hoàn thành phải mất nhiều năm, thậm chí 10 năm.
 
Việc sửa chữa đường phố, hè phố không làm đến đâu hết đến đó mà lại bày ra nhiều chỗ cùng một lúc và thực hiện rất chậm, vậy thành phố đã có chỉ đạo gì để khắc phục vấn đề trên?
 
Vừa qua thành phố đã có ý kiến điều chỉnh việc đó với tinh thần phải làm tập trung, dứt điểm. Phải thi công vào những giờ giấc thích hợp, thí dụ ban đêm, còn ban ngày khi làm phải giải phóng nhanh để đảm bảo lưu thông…
 
Tôi cũng nói thêm, phải có sự hợp tác của tất cả trong việc chỉnh trang, bởi cũng giống như đi thẩm mỹ thì phải đau – làm lại cho đẹp phải chịu đau chứ.
 
Tại sao thành phố không triển khai các công việc trên từ năm trước mà đến năm nay mới làm dồn dập?
 
Đây là chủ trương từ trước kia nhưng còn phụ thuộc vào nguồn lực để bố trí và việc tổ chức. Ngay vấn đề hạ ngầm mình phải làm thí điểm bài bản rồi tính toán tương đối nguồn lực, bấy giờ mới phân bổ được nguồn lực và các đơn vị mới chuẩn bị được để làm.
 
Một câu hỏi nhiều người dân đặt ra lúc này là đến thời điểm nào sẽ dừng việc đào đường, đào hè phố?
 
Chủ tịch Hà Nội: “Muốn làm đẹp, phải chịu đau” - 2
Sự ngổn ngang kéo dài khiến người dân rất khó chịu (Ảnh: Châu Như Quỳnh).
 
Chỉnh trang là quá trình liên tục, nhưng từ nay đến đại lễ sẽ tập trung vào một số tuyến đường chính như đã quyết định và tiến độ các đơn vị đặt ra là từ 15 - 30/8 đều xong hết.
 
Một vấn đề khác trong chỉnh trang đô thị là việc quét vôi mặt trước phố cổ vừa qua đã không nhận được sự đồng tình từ phía dư luận, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, làm như vậy khiến phố cổ mất duyên, mất đi dáng vẻ cổ kính?
 
Về phố cổ chỉ chỉnh trang theo quy chế bảo tồn phố cổ, không phải chỉnh trang như các phố khác. Thế còn chỗ này, chỗ kia là do người dân tự làm, không phải do chỉ đạo và chúng ta phải phải yêu cầu dừng lại điều chỉnh. Quận Hoàn Kiếm nói rất rõ là đối với những gia đình như thế họ chỉ đạo điều chỉnh ngay sau khi phát hiện.
 
Việc sửa chữa tháp nước Hàng Đậu vừa qua cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc làm mất đi giá trị của công trình này?
 
Đối với công trình này, chủ trương của Ủy ban là chỉ tháo bốt điện tại đây ra để chống việc làm mất vệ sinh, gây ảnh hưởng môi trường xung quanh. Nhưng anh em khi tháo ra thấy một số đoạn vữa vỡ lở nên trát lại và việc trát đó cũng theo định hướng trước kia mà Hội kiến trúc sư Việt Nam đã đưa ra là phải bảo tồn, khắc phục công trình, kể cả những đoạn vữa rơi phải trát lại.
 
Vừa qua TP cũng đã có chỉ đạo, đây không phải là di tích nhưng là công trình lâu năm cho nên phải giữ gìn để làm sao hiện trạng đồng bộ với hệ thống phố cổ. Đối với phần hỏng hóc, anh em đã đưa ra chương trình sửa chữa và làm, thành phố có ý kiến chỉ đạo, trót dỡ ra rồi thì phải làm sao sửa chữa đúng với quy chế của bảo tồn.
 
Về việc lát lại vỉa hè Hồ Gươm, ông có ý kiến như thế nào?
 
Thực tế, vừa qua quận có cho lát lại một đoạn để xem ý kiến như thế nào, nhưng thành phố đã yêu cầu dừng lại ngay. Ngoài đoạn lát đó, tất cả còn lại giữ nguyên, trừ chỗ nào hỏng hóc, vỡ cần phải sửa chữa.
 
Xin cám ơn ông!
 
Cấn Cường (thực hiện)