Chủ tịch ACV lý giải vì sao sân bay Tân Sơn Nhất bị xếp “đội sổ”

(Dân trí) - Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - cho biết: “Trong bối cảnh Tân Sơn Nhất quá tải nghiêm trọng thì phải dồn dịch, ưu tiên tất cả cho việc làm thủ tục hàng không, nên không thể chăm lo được hết các tiện ích khác tại Tân Sơn Nhất”.

Thông tin trên được Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh đưa ra tại Tọa đàm “Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất” do Báo Giao thông tổ chức chiều 19/3.

Chủ tịch ACV lý giải vì sao sân bay Tân Sơn Nhất bị xếp “đội sổ” - 1
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải nên ưu tiên giải tỏa hành khách, chứ không thể tập trung cho các tiện ích, dịch vụ

Ngày 11/3, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) công bố kết quả khảo sát về chất lượng dịch vụ năm 2018 tại 6 cảng hàng không-sân bay là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi. Trong đó, Cảng Hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam Tân Sơn Nhất - TPHCM bị xếp cuối bảng. 

Theo Cục HKVN, việc khảo sát diễn ra từ tháng 10-12/2018, đánh giá 25 tiêu chí về sự hài lòng của hành khách đối với 7 khu vực của cảng hàng không bao gồm: Các khu vực nhà ga đi, khu vực làm thủ tục hàng không, khu vực soi chiếu an ninh, khu vực công an xuất nhập cảnh, phòng chờ ra tàu bay, nhà ga đến và phương tiện giao thông công cộng.

Chiều 19/3, tại Tọa đàm “Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất”, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh lần đầu tiên lên tiếng về việc này. “Sân bay Tân Sơn Nhất bị đánh giá tệ nhất trong số 6 sân bay quốc tế được đánh giá, chứ không phải tệ nhất trong hệ thống cảng hàng không sân bay tại Việt Nam” - ông Thanh nói.

Chủ tịch ACV lý giải vì sao sân bay Tân Sơn Nhất bị xếp “đội sổ” - 2
Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên ACV

Ông Thanh thông tin, Tân Sơn Nhất đã khai thác khoảng hơn 40 triệu rồi, chính vì thế mà vừa rồi đánh giá 6 Cảng hàng không quốc tế thì Tân Sơn Nhất đứng cuối trong 6 cảng. Đến năm 2025 nhu cầu của thị trường là 65 triệu hành khách, sau đó đến 2030, nhu cầu thị trường là 85 triệu hành khách.

“Trong bối cảnh Tân Sơn Nhất quá tải nghiêm trọng nên phải đưa về khai thác, phải dồn dịch, ưu tiên tất cả cho việc làm thủ tục hàng không nên không thể chăm lo được hết các tiện ích khác tại Tân Sơn Nhất.” - Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh lý giải.

Nhiều người đặt câu hỏi: Tân Sơn Nhất quá tải nhưng việc mở rộng sân bay vẫn tiếp tục chậm trễ, điển hình là tiến độ nhà ga T3, thì những nguy cơ nào có thể xảy ra?

Về việc này, Chủ tịch ACV cho biết Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu của thị trường và sẽ phải “đóng băng” nếu việc mở rộng sân bay chậm trễ. Đặc biệt, đến một giai đoạn nhất định thì không được phép tăng tải tại Tân Sơn Nhất vì liên quan đến yếu tố an toàn. Nhà ga có thể chật chội, chen chúc vì nhu cầu thị trường, nhưng an toàn là “bất di bất dịch”.

Cũng theo ông Thanh, phải đề cập tới quy hoạch đường lăn song song tại Tân Sơn Nhất, bởi nếu xây nhà ga mà không có đường lăn song song thì cũng không sử dụng được. Cục Hàng không cũng không được phép cấp phép bay quá 270.000 lượt cất hạ cánh/năm, trong khi năm 2019 dự báo lên khoảng 250.000 lượt cất hạ cánh.

“Đến mức nào đó đụng trần thì không thêm được nữa, đóng băng ở con số đó thì ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội.” - ông Lại Xuân Thanh cho hay.

Chủ tịch ACV lý giải vì sao sân bay Tân Sơn Nhất bị xếp “đội sổ” - 3
Buổi tọa đàm về việc tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Liên quan đến kế hoạch triển khai dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: Nhà ga T3 phải làm càng sớm càng tốt. Bộ GTVT rất quan tâm, thời gian qua cũng triển khai quyết liệt.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, tháng 9/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau đó, Bộ GTVT đã giao ACV nghiên cứu dự án tiền khả thi đầu tư dự án nhà ga hành khách T3. Tháng 2/2019 vừa qua đã nghiên cứu xong dự án tiền khả thi. 

Hiện tại ACV đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT về nhà ga T3 sau khi hoàn chỉnh và Bộ GTVT đã trình Chính phủ giao ACV đầu tư T3.

Châu Như Quỳnh