1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ nhân tàu ngầm Trường Sa 1: “Không dừng dự án tàu ngầm”

(Dân trí) - “Tôi đang chịu rất nhiều áp lực từ phía dư luận và gia đình nhưng không có chuyện tôi từ bỏ dự án Trường Sa 1 dù khó khăn hay tốn kém đến đâu”, ông Nguyễn Quốc Hòa - chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa 1 - khẳng định với PV Dân trí.

Trả lời về một số thông tin cho rằng ông Nguyễn Quốc Hòa sẽ dừng dự án chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1, doanh nhân này cho biết: "Quả thực thời gian vừa qua, từ khi hình ảnh con tàu được đăng tải trên báo chí, tôi phải chịu quá nhiều áp lực. Ngoài rất nhiều lời chế giễu, thậm chí đến các con tôi cũng phản đối dự án này. Nhưng từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn hay sợ áp lực của dư luận cả. Tôi sẽ tiếp tục đến khi nào hình ảnh tàu ngầm của tôi mang lá cờ Tổ quốc tiến từ Trường Sa về. Có điều tôi sẽ không chia sẻ thêm bất cứ thông tin gì về con tàu cho đến khi nó thành công, để tránh mọi việc rối tung và ngoài sự kiểm soát của tôi…”.

Khi được hỏi về thời gian hoàn thành con tàu, ông Hòa khẳng định không thể đưa ra con số chính xác bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Tôi muốn tập trung làm thử nghiệm cho bằng được thì thôi. Nếu thử nghiệm thành công tôi sẽ lại trưng bày nó cho mọi người xem”, ông Hòa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hòa khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện dự án tàu ngầm Trường Sa 1

Ông Nguyễn Quốc Hòa khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện dự án tàu ngầm Trường Sa 1

Dự án tàu ngầm mini được ông Hòa bắt tay thực hiện vào đầu năm 2013. Hiện tại, một số công nhân vẫn đang hoàn thiện thiết bị lắp ráp trong con tàu như bảng điều khiển, hệ thống điện, các loại trục và hệ thống hoàn khí. Theo kế hoạch đề ra, con tàu sẽ được ông Hòa tiến hành thử nghiệm vào tháng 11. Thời gian này, doanh nhân người Thái Bình đang cùng các cộng sự của mình xây dựng bể thử nghiệm 200m3, rộng 4 m, dài 10 và cao 5m.

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Quốc Hòa, tổng chi phí nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1 đã lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, dư luận từng “dậy sóng” khi ông Hòa tuyên bố, tàu ngầm mini của mình có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi, bán kính hoạt dộng 800km nếu được tiếp thêm nhiên liệu, thời gian lặn tối đa được 15h, với tốc độ trung bình là 25 hải lý/ giờ. Đặc biệt tàu được trang bị hai động cơ 90Hp, sử dụng công nghệ AIP do Việt Nam sản xuất.

Trao đổi với PV Dân trí về tính khả thi, mức độ an toàn của con tàu, nhiều chuyên gia bày tỏ nghi ngại. Một chuyên gia hàng đầu về động cơ thủy khí đang công tác tại Viện Cơ khí Động lực - ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Việc một cá nhân chế tạo tàu ngầm là rất đáng hoan nghêng nhưng làm gì cũng phải dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, tránh đầu tư tiền bạc, công sức mà lãng phí. Mặt khác cũng đừng hoang tưởng quá mức dẫn đến thổi phồng khả năng của thiết bị chế tạo nhằm đánh bóng tên tuổi bản thân, công ty. Bản thân tôi đã từng tham gia các dự án chế tạo tàu ngầm nên những thông số kỹ thuật mà ông Hòa cung cấp đều không có cơ sở, vượt xa với thực tiễn ở Việt Nam, nếu không nói là hoang tưởng! Công nghệ AIP mà ông Hòa tuyên bố sử dụng cho tàu ngầm của mình hiện nay ở Việt Nam mới chỉ đang được nghiên cứu chứ chưa có đủ trình độ để áp dụng vào thực tế".

Ông Trần Thế Dũng - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Thái Bình - đánh giá cao việc một doanh nhân bỏ tiền túi ra để nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm. Tuy nhiên ông Dũng cũng nói rằng, căn cứ vào các thông số kỹ thuật được đưa ra và đội ngũ thiết kế chế tạo, ông không tin mô hình tàu ngầm Trường Sa 1 thành công. "Chưa chắc họ đã mang ra thử nghiệm, mà có khi họ chỉ muốn gây chú ý mà thôi", ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng chỉ rõ, nếu doanh nhân Nguyễn Quốc Hoa đưa ra sản xuất hàng loạt thì cần phải có sự đánh giá, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước xem công nghệ có phù hợp hay không, việc sản xuất có thuộc phạm vi hàng cấm hay không? Sắp tới nếu con tàu này tiến hành thử nghiệm ở sông hoặc biển, các cơ quan đơn vị liên quan tại tỉnh Thái Bình chắc chắn sẽ cử người tới kiểm tra, giám sát.

Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Thái Bình sẽ báo cáo Bộ Khoa học – Công nghệ để kết hợp cùng địa phương đưa ra những đánh giá chính xác trong thời gian tới.


Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm