1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Đột nhập" tàu ngầm mini do doanh nhân Việt Nam sản xuất

(Dân trí) - Tàu ngầm mini có tên gọi Trường Sa 1, lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi, do một doanh nhân tại Thái Bình thiết kế và sản xuất. Ngay sau khi những hình ảnh và thông số của tàu ngầm mini này được công bố, dư luận đã "dậy sóng"…

 

Tàu ngầm mini có tên gọi Trường Sa 1, có lượng choán nước là 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Con tàu độc đáo này do ông Nguyễn Quốc Hòa - một doanh nhân tại Thái Bình - thiết kế và sản xuất. Ngay sau khi những hình ảnh và thông số của tàu ngầm mini này được công bố, dư luận đã "dậy sóng" bởi lẽ đây được cho là một trong những con tàu ngầm hiếm hoi do chính người Việt Nam thiết kế và sản xuất.

Theo ông Hòa, tàu được trang bị hai động cơ 90Hp và đặc biệt hơn, tàu ngầm Trường Sa 1 sử dụng công nghệ AIP do chính Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, thông tin này khiến dư luận không khỏi hoài nghi bởi công nghệ này rất tiên tiến và không phải nước nào cũng có thể áp dụng.

Cũng theo ông Hòa, tàu ngầm Trường Sa 1 với thời gian lặn tối đa có thể đạt 15 giờ nếu được tiếp thêm nguyên liệu, tốc độ tính toán là 25 hải lý/giờ chứ không phải là 40 hải lý/giờ như nhiều báo thông tin. Nếu tàu được thử nghiệm thành công với tốc độ này thì đây được cho là một con số đáng ngưỡng mộ bởi thông thường vận tốc tối đa khi lặn dưới nước của loại tàu ngầm tiên tiến trên thế giới hiện nay chỉ đạt trên dưới 20 hải lý/giờ.

Tàu ngầm Trường Sa 1 có vỏ ngoài được chế tạo hoàn toàn bằng thép với độ dày 10mm, với đầy đủ hệ thống bánh lái, chân vịt cũng như ống nhòm quan sát... Bên trong thân tàu hiện đang trong quá trình hoàn thiện và động cơ sử dụng của tàu sẽ được nhập từ nước ngoài để đảm bảo các thông số kỹ thuật cần thiết. Đuôi tàu có thiết kế hình trụ, phần cánh có thể rẽ sóng và giúp tàu cân bằng khi xuống nước.

Theo ông Hòa, đây được xem như con tàu ngầm mang tính thử nghiệm và tiến tới ông sẽ tiếp tục thiết kế tàu ngầm có trọng tải lớn gấp đôi, đặc biệt có thể mang vũ khí để phục vụ các mục đích quân sự bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Trước doanh nhân người Thái Bình Nguyễn Quốc Hòa, một số cơ sở nghiên cứu và cá nhân người Việt cũng đã từng chế tạo tàu ngầm như nhóm SV ĐH Bách Khoa, việt kiều Phan Bội Trân ít nhiều đã gây được chú ý lớn từ dư luận. Hy vọng tàu ngầm mini của ông Hòa sẽ được sản xuất thành công.

Xuân Ngọc - Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm