1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ chó ở TPHCM mếu máo khóc khi thú cưng bị cán bộ phường bắt giữ

An Huy

(Dân trí) - "Tôi nhốt rồi mà nó sổng chuồng. Tội con chó quá mấy anh ơi, cho tôi xin đóng tiền nhận lại", người phụ nữ nói rồi bật khóc khi thấy thú cưng bị nhốt trong lồng sắt.

Khoảng 15h30 ngày 11/4, bà T. ngụ khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) nhốt chó trong nhà rồi đi công việc. Tuy nhiên, con vật thoát ra ngoài, chạy rông trong khu dân cư.

Lúc này, Tổ bắt chó chạy rông gồm 6 thành viên thuộc UBND phường Hiệp Bình Chánh đi tuần tra, phát hiện thú cưng bà T. lang thang trước số nhà 14/10 đường số 4 liền dùng vợt lưới bắt giữ.

Chủ chó ở TPHCM mếu máo khóc khi thú cưng bị cán bộ phường bắt giữ - 1

Con chó của bà T. bị lực lượng chức năng bắt (Ảnh: An Huy).

Khi tổ công tác rời đi, bà T. hay tin liền đuổi theo. Thấy chó của mình nhốt trong lồng sắt trên xe tải, người phụ nữ mếu máo bật khóc.

"Cho tôi đóng tiền tại chỗ nhận lại con chó mấy anh ơi. Tôi nhốt trong nhà rồi mà nó sổng ra ngoài. Tội nghiệp con chó của tôi quá mấy anh ơi, nó hiền lắm, có cắn ai đâu", bà T. vừa nói vừa khóc.

Một cán bộ phường trấn an: "Chị yên tâm, con chó được chăm sóc cẩn thận, không ai làm hại nó. Mời chị ngày mai lên phòng kinh tế UBND phường Hiệp Bình Chánh nhận quyết định đóng phạt, đem chó về".

Lúc này, bà T. mới ngưng khóc và nhìn con chó bị các cán bộ đưa đi.

Chủ chó ở TPHCM mếu máo khóc khi thú cưng bị cán bộ phường bắt giữ - 2

Người phụ nữ khóc mếu máo bên cạnh thú cưng bị nhốt trong lồng sắt (Ảnh: An Huy).

Cách địa chỉ này 200m, 2 con chó đang đùa giỡn tại bãi rác liền bị tổ công tác áp sát. Các cán bộ chỉ bắt được một con, con còn lại được chủ nhà lùa vào nhà đóng cửa.

Lúc 16h, tổ công tác tuần tra trên đường số 8, khu phố 2 (phường Hiệp Bình Chánh) phát hiện con chó đang nằm bên lề đường, vung vợt lưới bắt gọn.

Người đàn ông tên Sơn (khoảng 55 tuổi, chủ con vật) từ trong nhà lao ra xin tổ công tác thả chó.

"Con chó này 15 tuổi rồi, nó già sắp chết, răng rụng gần hết, không thể cắn ai. Mấy anh bắt thì tôi bỏ chó luôn vì không có tiền nộp phạt, muốn làm gì làm", ông Sơn nói.

Lúc 17h, tổ công tác chuyển hướng tuần tra sang đường Kha Vạn Cân (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh). Đây là khu vực lực lượng chức năng phường nhận nhiều tin trình báo việc chó chạy rông, phóng uế bừa bãi.

Chủ chó ở TPHCM mếu máo khóc khi thú cưng bị cán bộ phường bắt giữ - 3

Cán bộ phường bắt một con chó trong hẻm đường Kha Vạn Cân (Ảnh: An Huy).

Tại hẻm 132 Kha Vạn Cân, lực lượng chức năng phát hiện 4 con chó đang đùa giỡn, liền tiếp cận vây bắt. Tuy nhiên, Lực lượng chỉ bắt được một con, 3 con còn lại chạy vào lùm cây và được chủ bồng vào nhà.

Tại khu phố 6, tổ công tác phường cũng bắt được thêm 3 con chó khác. Không ít trường hợp người dân thấy lực lượng bắt chó tuần tra, vội vã lùa con vật vào nhà.

Đến 18h30, Tổ bắt chó chạy rông phường Hiệp Bình Chánh kết thúc buổi làm việc, bắt giữ được 9 con chó. Các con vật được tổ công tác nhốt vào từng lồng chăm sóc cẩn thận đợi chủ lên phường làm việc để nhận lại.

"Trong vòng 48 giờ không có chủ đến nhận, chó sẽ được gửi đến Chi cục Thú y TPHCM xử lý theo quy định. Dù lực lượng ra quân bắt chó chạy rông thường xuyên nhưng nhiều người vẫn còn lơ là trong việc quản lý thú cưng, ảnh hưởng đến người khác", một cán bộ phường nói.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM gửi tờ trình lên UBND TPHCM về việc quản lý chó, mèo trong khu dân cư.

Cụ thể, người dân muốn nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND cấp xã, phường. Khuyến khích các hộ nuôi gắn chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý trên vật nuôi. Việc này giúp quản lý thông tin phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...

Việc kê khai được thực hiện định kỳ hai lần trong năm. Ngoài ra, người dân phải kê khai đột xuất trong thời hạn ba ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Chủ nuôi phải tiêm phòng bắt buộc bệnh dại của chó, mèo, chấp hành các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn dẹp chất thải do chó thải ra nơi công cộng. Vật nuôi phải được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt…