Chống tham nhũng: nếu để lửa tắt, thổi lại sẽ khó

(Dân trí) - Chặng đường 10 tháng kể từ khi có Luật Phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chưa phải là dài. Thế nhưng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là lúc cần nhanh chóng “mở rộng” cuộc chiến trên cả hai mặt trận này và nhất quyết không thể để ngọn lửa của cuộc chiến nguội đi…

Để lâu có “teo” lại?

 

Theo đại biểu Trần Đình Long, có phải tất cả các số liệu đưa ra trong báo cáo là tham nhũng không? Nếu là tham nhũng thì tại sao lại xử lí nhẹ như vậy? Ông nêu ra dẫn chứng, sai phạm 4,8 ngàn tỉ đồng, nhưng chỉ chỉ thu hồi 3,3 ngàn tỉ mà lẽ ra đã là tham nhũng thì phải thu hồi tất cả, đã gây thiệt hại thì phải đền bù. Thêm nữa, xử lí hành chính, xử phạt trên 62 ngàn doanh nghiệp mà số người bị kiến nghị xử lí chỉ là 2.906 người. Kiến nghị xử lí như vậy được ông Long đặt câu hỏi là có đúng pháp luật, có nghiêm minh không?

 

Tiếp nữa, báo cáo nói là các cấp uỷ, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự coi trọng công tác phòng chống tham nhũng, nhưng theo ông Long “bản chất vấn đề là có dám làm, không dám làm hoặc có bao che hay không, chứ không thể là chưa coi trọng”.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, cử tri đang rất mong đợi có thể rút ra điều gì từ báo cáo để thúc đẩy hai mặt trận lớn này. Theo ông Trân, chúng ta đang nhận được sự đồng thuận lớn của người dân, nhưng nếu chúng ta không tiến hành quyết liệt sẽ khiến cử tri nói đến việc giơ cao đánh khẽ, làm theo phong trào rồi trở về nếp cũ…“Tôi nghĩ lửa đã tắt, thổi trở lại là rất khó khăn”, ông Trân nhận định.

 

Tiếp đó, vị đại biểu của An Giang đặt ra câu hỏi vì sao các vụ tham nhũng, tiêu cực chậm xử lí mà không được cắt nghĩa trong bản báo cáo. Chẳng hạn vụ Nguyễn Lâm Thái liên quan đến 37 bưu điện hay vụ PMU 18 xảy ra đã lâu mà đến nay vẫn chưa được xét xử. Nhiều người lo ngại, càng kéo dài càng “teo” lại và rồi lúc nào đó “trái núi lại đẻ ra con chuột nhắt”.

 

Tham nhũng càng chống dường như lại càng tăng là ý kiến của đại biểu Trần Văn Kiệt. Theo ông Kiệt, hiện tại tham nhũng đã lan sang cả những lĩnh vực mà chúng ta không hình dung được như “bòn rút” cả quĩ ủng hộ người nghèo, quĩ từ thiện… Ông cho rằng, phải xem lại nguyên nhân để “bắt” được bản chất vấn đề, nếu không sẽ chống mãi, nói mãi mà vẫn… còn mãi. Phải xem lại cơ chế nhất là trong quản lí, thanh toán xem có phải cơ chế tạo điều kiện cho tham nhũng ngày càng lớn.

 

Lãng phí vẫn tràn lan

 

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang mở đầu phát biểu về chống lãng phí bằng một câu chuyện “ví von” nhưng rất sát nghĩa. Ông Vang nói đã được đọc một thông tin rằng người Việt Nam ngủ ít thứ hai thế giới, vì phải bận làm việc. Ông đọc tiếp thông tin thì được biết người Nhật ngủ ít nhất thế giới. Nhưng có một khác biệt đằng sau sự ngủ ít: một đất nứơc rất giàu và một nước rất nghèo.

 

Từ đó ông liên hệ tiếp đến sự làm việc của người Việt Nam và người Nhật. Trên cùng một đoạn đường từ đê Yên Phụ tới cầu Thăng Long, đoạn đường đầu giao cho người Việt giám sát, đoàn đường giáp cầu Thăng Long giao cho người Nhật giám sát. Kết quả là đoạn đường đầu thì lồi lõm, xấu xí trong khi đoạn đường kia đẹp như ở… nước ngoài. “Ngay trên đất chúng ta chúng ta không vận dụng được luật trong khi người Nhật lại làm được”, ông Vang đúc kết.

 

Ông Vang cũng nêu lên một lãng phí khá “nóng” hiện nay là xây nhà sai phép. Một ngôi nhà được cấp phép xây 10 tầng nâng lên 15 tầng, bị phạt tới mười mấy lần rồi vẫn để đó. Khi đã lộ ra dư luận thì băn khoăn giữa hai phương án: Cắt đi thì lãng phí, không cắt thì không còn kỉ cương.

 

Một lãng phí khác hiện nay được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa nêu lên chính là việc nhà nước giữ 51% cổ phần trong các doanh nghiệp mà lẽ ra nhà nước không cần giữ. Đây là việc kìm hãm động lực phát triển vì chỉ cần nhà nước bán cổ phần đi sẽ khiến doanh nghiệp tham gia tích cực trên thị trường chứng khoán.

 

Chưa hết, theo bà Thoa, cơ sở 2 của các bộ ngành Trung ương đều có văn phòng ở những vị trí rất đẹp tại TPHCM mà nhìn vào người dân thấy xót xa. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có ý tưởng xây một khu nhà chung cho tất cả các cơ quan này, nhưng tiếc rằng ý tưởng đó không thành công.

 

Còn vô số lãng phí khác nhau kiểu như vậy vẫn diễn ra hiển hiện hàng ngày, cho dù chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

 

Kim Tân