1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ:

Chống tham nhũng, chỉ thiếu… tiền

(Dân trí) - Không giống các Bộ trưởng trả lời trước đó, hơn 2 tiếng đồng hồ trả lời chất vấn, Thủ tướng đều… đứng. Phong thái tự tin, trả lời mạch lạc, rõ ràng, nắm chắc vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thoả mãn hầu hết các câu chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

Dường như cả cử tri và đại biểu đều hài lòng, trái hẳn với những “ấm ức” trong phiên chất vấn vị Chánh án TANDTC sáng cùng ngày.

 

Tại kỳ họp, Chính phủ đã nhận được 168 chất vấn của các đại biểu Quốc hội, trong đó có 4 chất vấn Chính phủ, 6 chất vấn Thủ tướng Chính phủ, 3 chất vấn Phó Thủ tướng và 155 chất vấn các thành viên Chính phủ.

 

Qui hoạch treo là hạn chế, yếu kém của Chính phủ

 

Các nội dung chất vấn tập trung vào 3 nhóm nội dung là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh chuyển biến còn chậm; Cải cách hành chính còn chậm, nhiều vướng mắc, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; Đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến nhưng vẫn còn nghiêm trọng...

 

Theo Thủ tướng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, bền vững là một mục tiêu yêu cầu rất cao và cũng rất khó bởi nó gắn liền với hiệu quả năng suất lao động và yếu tố khoa học, công nghệ. “Lao động của nước ta hiện mới đạt 27% qua đào tạo. Yếu tố khoa học và công nghệ thì mới đạt khoảng 23% - 27% ( trong khi ở các nước phát triển là 80% - 90% các nước đang phát triển là 50% - 60%)”, Thủ tướng phân tích.

 

Đề cập đến vấn đề qui hoạch treo, Thủ tướng xác nhận đây là vấn đề có thật và tự nhận xét: “Đây là hạn chế, yếu kém của Chính phủ và chính quyền các cấp. Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ chịu trách nhiệm về sự hạn chế, yếu kém này”.

 

Về công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng cho biết, Chính phủ  đã thẳng thắn đánh giá, phân tích và đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp cần phải tiếp tục thực hiện.

 

Cũng theo Thủ tướng, nhân tố có ý nghĩa quyết định trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu phải thực sự gương mẫu và chịu trách nhiệm cao nhất. Ai không làm được, làm không có hiệu quả, không xử lý được, hoặc không ngăn chặn được phải bị xử lý, bị thay thế.

 

Thủ tướng cũng nêu một thực trạng đáng phê phán hiện nay là những  người cơ hội, chỉ lớn tiếng hô hào, phê phán tham nhũng, lãng phí nơi này, nơi khác, trong khi tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách lại xảy ra tham nhũng tiêu cực, lãng phí nghiêm trọng thậm chí bản thân họ cũng có hoặc liên quan, hoặc bao che cho hành vi tham nhũng. “Những trường hợp này phải bị xử lý nghiêm”, Thủ tướng khẳng định.

 

Không tăng giá điện với 80%  dân số

 

Mở màn phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) hỏi về vấn đề  rất thời sự, xã hội đang rất quan tâm: Tăng giá điện, Thủ tướng cho biết bao nhiêu phần trăm do bất khả kháng? do yếu kém về quản lý của ngành Điện (tổ chức cồng kềnh, lãng phí…)? nếu như chưa tăng giá điện mà tiến hành một loạt biện pháp khác hỗ trợ ngành Điện có được không?

 

Thủ tướng cho rằng, giá điện cần phải được vận hành trong cơ chế thị trường. Hiện chúng ta phải mua điện, bán ra lỗ 200đ/1kW. “Năm nay lỗ hơn 3.000 tỷ, nếu giữ như giá này thì năm tới sẽ lỗ khoảng hơn 4.000 tỷ”, Thủ tướng thông báo.

 

Thủ tướng nêu hai vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó là “dứt khoát không bao cấp giá điện tràn lan, không bao cấp cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà phải tính đúng, tính đủ”. Thứ hai là có trợ giúp hợp lý cho hộ nghèo và khu vực nông thôn. “Hiện số hộ sống ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 75% nhưng chỉ sử dụng 15,4% sản lượng điện, hộ nghèo ở đô thị sử dụng điện không quá 100kW/tháng khoảng 5,7%. Tổng số hơn 80% dân số đó chỉ sử dụng khoảng 21% tổng sản lượng điện”.

 

Từ những đánh giá này, Thủ tướng cho biết: “Trong lúc giá cả hàng hoá đang tăng thì nên chăng chưa tăng giá điện đối với khu vực 80% dân số này. Như vậy là chúng ta ổn định được việc tăng giá điện không tác động đến 80% dân số, nhưng không tăng giá chỉ có 21% sản lượng”.

 

“Chúng ta phải có lộ trình, bước đi thích hợp, để từng bước chuyển sang cơ chế thị trường, nhưng vừa có chính sách, có quan tâm đến người thu nhập thấp, tới người nghèo, vùng nông thôn, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là như thế”, Thủ tướng khẳng định.

 

Chống tham nhũng, chỉ thiếu… tiền

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa (Bình Dương) đặt câu hỏi mà sau đó Thủ tướng phải công nhận là “rất khó trả lời và cũng khó thực hiện”. Theo bà Thoa, việc tăng lương tối thiểu lên 450 ngàn đồng/tháng thì cán bộ công chức thuộc loại hạng trung vẫn chưa đủ để trang trải cho cuộc sống, đặc biệt trong việc trang trải tiền học hành cho con cái vì thế chưa bảo đảm được 2 mục tiêu cho việc cải tổ tiền lương là tạo được động lực phát triển sức sản xuất cho cán bộ công chức và  lương phải trở thành dụng cụ răn đe cán bộ công chức (không muốn tham nhũng).

 

Câu hỏi của bà Thoa là: Khi nào Thủ tướng cho khởi động lại việc nghiên cứu cải tổ một cách cơ bản hệ thống tiền lương đối với cán bộ công chức?

 

“Chúng ta đã thực hiện chương trình cải cách tiền lương theo khả năng thực tế điều kiện kinh tế nước ta. Vừa rồi, quyết định tăng lương tối thiểu là chúng ta tăng sớm theo lộ trình một năm nhưng hỏi tiền lương thực sự đã là động lực chưa thì còn phải phấn đấu thêm”.

 

“Tôi cũng thấy phải cải cách tăng lên nữa. Nhưng lực bất tòng tâm”, Thủ tướng nói, ông kể câu chuyện có thật: “Tôi làm việc với một số tổ chức quốc tế, họ hỏi Chính phủ Việt Nam khó khăn gì trong chống tham nhũng họ sẵn sàng giúp. Tôi nói là chúng tôi quyết tâm đủ, ý chí đủ, luật pháp đủ chỉ thiếu… tiền để làm lương cho đủ sống, nhưng không ai chịu giúp”.

 

“Bây giờ chúng ta phải sống trong bối cảnh cải cách phù hợp với điều kiện của đất nước ta chứ không có cách nào khác”, Thủ tướng nói thêm.

 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đặt vấn đề liên quan đến xuất khẩu than, theo ông Lộc, không nên khai thác than để bán vì đó là chúng ta bán vật thô để rồi mua sản phẩm hoàn thiện.

 

Giải trình vấn đề này, Thủ tướng cho biết, không phải Chính phủ không biết, nhưng công nghệ của các nhà máy tiêu thụ than của ta hiện nay là chủ yếu là than 4, than 5. Mà để có than 4, than 5 phục vụ cho công nghệ hiện nay phải đào mỏ để phân loại, khi đó than 1, than 2, than 3 không biết đem đi đâu trong khi nước bạn thì có công nghệ sử dụng được các loại than cấp thấp này.

 

“Muốn có nhà máy thì phải có tiền, có vốn, tiền vốn này lại đi liền với tiến trình phát triển của nền kinh tế. Chúng tôi biết, một than mà chuyển thành điện thì lời gấp đôi, nhưng quá trình phát triển chúng ta chấp nhận như thế”, Thủ tướng kết luận.

 

Đức Hoà