Chọn kịch bản đường sắt cao tốc tối ưu để trình Bộ Chính trị

Hoài Thu

(Dân trí) - Phương án thiết kế đường sắt cao tốc phải đồng bộ, thống nhất. Các ga tại Hà Nội và TPHCM cần bố trí ở trung tâm, kết hợp đi ngầm và trên cao, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Yêu cầu này được đề cập trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (Trưởng ban Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia), tại phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ông nhấn mạnh một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải đầu tư đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Để hoàn thiện Đề án đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ trình Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu (ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, bao gồm ý kiến của GS.TSKH Lã Ngọc Khuê).

Chọn kịch bản đường sắt cao tốc tối ưu để trình Bộ Chính trị - 1

Ảnh minh họa: indiatransportportal.com.

Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý cần đánh giá toàn diện các yếu tố: công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải (hàng hóa và hành khách) của đường sắt trên trục Bắc - Nam (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt khổ 1.000mm hiện hữu.

Bên cạnh đó, theo ông, phải đánh giá tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế… để lựa chọn kịch bản tối ưu.

Phương án triển khai đường sắt cao tốc, theo Phó Thủ tướng, phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn thiết kế, hạ tầng, tín hiệu, thiết bị, toa xe, đầu máy….

Đối với các ga tại Hà Nội và TPHCM, cần bố trí ở trung tâm, kết hợp đi ngầm, trên cao… bảo đảm thuận tiện cho hành khách.

Về tốc độ thiết kế, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo tiếp tục làm rõ hơn dựa trên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác hành khách kết hợp hàng hóa của các nước trên thế giới như Bộ Giao thông vận tải báo cáo (làm rõ tiêu chuẩn, tổ chức khai thác vận tải, cách làm của từng nước).

Ông cũng yêu cầu phân tích, chứng minh về hiệu quả kinh tế, tài chính đối với trường hợp chỉ vận tải hành khách, hoặc vận tải hành khách kết hợp vận tài hàng hóa.

Về chuyển giao công nghệ, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu đề xuất lập Đề án riêng để phân tích, chọn đối tác chuyển giao công nghệ; lựa chọn tổ chức tiếp nhận công nghệ để làm chủ công nghệ (thành lập mới một tập đoàn Nhà nước, giao doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân, đơn vị quân đội…). 

Về phân kỳ đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư phù hợp, có thể kiến nghị đầu tư đồng thời, một lần để giảm thời gian, chi phí…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước) nghiên cứu, phản biện độc lập để lựa phương án tối ưu, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Kết luận số 49 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu "phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao".

Giải pháp được Bộ Chính trị nêu rõ là nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược.

Hồi cuối năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc - Nam.

Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2, xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam, vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.