Chó Pitbull cắn chết người: Chủ có vô can?
(Dân trí) - Luật sư cho rằng trong trường hợp này khó phát sinh trách nhiệm hình sự, trừ khi cơ quan chức năng chứng minh được chủ chó để con vật này đi ra ngoài mà không có sự bảo hộ nào, để chó cắn chết người.
Theo thông tin ban đầu, khuya 20/5, anh H.T.H. (ngụ huyện Tân Trụ, Long An) dẫn con chó Pitbull nặng hơn 52 kg đến ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (gần khu công nghiệp Hòa Bình) uống cà phê. Tại đây, con chó bất ngờ tấn công một thanh niên, làm người này tử vong.
Trong lúc can ngăn, chủ của con cũng bị tấn công với nhiều vết thương ở vùng mặt, đầu và hai cánh tay, phải nhập viện cấp cứu. Vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận vì hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Nuôi, thả, dắt chó Pitbull trong khu dân cư thực sự trở thành mối nguy hiểm chết người.
Phân tích vụ việc ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM) nhấn mạnh thiệt hại do vật nuôi gây ra cho người khác, chủ vật nuôi phải bồi thường theo Bộ luật Dân sự.
Cụ thể, trách nhiệm đối với những thiệt hại do vật nuôi gây ra đã được quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu. Đây là trách nhiệm bồi thường dân sự cho những thiệt hại về vật chất hoặc sức khỏe do vật nuôi gây ra.
Theo ông Công, trong trường hợp này dù chủ chó Pitbull cũng bị tấn công nhưng theo quy định, anh này phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng trong trường hợp này khó phát sinh trách nhiệm hình sự, trừ khi cơ quan chức năng chứng minh được chủ chó để con vật này đi ra ngoài mà không có sự bảo hộ nào, để nó cắn chết người. Lúc đó, chủ có thể bị xem xét hành vi vô ý làm chết người.
Trường hợp chủ chó Pitbull chủ động sai khiến chó tấn công làm nạn nhân chết, có thể bị truy cứu tội giết người.
Theo một thẩm phán công tác tại TPHCM, Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, quy định người nuôi chó buộc phải đăng ký với chính quyền địa phương, thực hiện tiêm phòng đầy đủ.
Vì vậy, người nuôi nên tuân thủ các quy định hiện hành như phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Người nuôi phải xích, nhốt hoặc giữ chó, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh.
Nếu ở nơi công cộng, đông dân cư, khu đô thị... khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm, có người dắt.
Chủ chó phải tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật để phòng ngừa nguy cơ gây hại cho người dân. Đối với các loài chó hung dữ, to lớn, có yếu tố nước ngoài... thì phải được nuôi nhốt cẩn thận hơn, không nên đưa ra nơi công cộng.