Cho chữ đầu năm
(Dân trí) - Từ lâu, nghệ thuật thư pháp đã trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, người dân thành phố chọn cho mình một bức thư pháp để hướng về nét đẹp truyền thống của ông, cha.
Thư pháp là một nghệ thuật đặc thù. Qua thời gian, nghệ thuật thư pháp vẫn luôn giữ được giá trị nhân bản, giá trị đạo đức xã hội trong thế giới nghệ thuật. Một trong số những người biết thư pháp Hán ở thành phố Vinh có ông Nguyễn Hữu Bảy, ở khối Xuân Nam, phường Hưng Dũng. Ông từng là một giáo viên dạy môn Trung văn.
Người dân xứ Nghệ đã biết mua chữ ngày đầu năm mới (Ảnh: Nguyễn Duy)
Sau khi về hưu, với niềm đam mê nghệ thuật thư pháp, ông thường xuyên luyện viết thư pháp. Nhờ am hiểu chữ hán nôm và khả năng sáng tác thơ ca, ông mở xưởng sản xuất các hoành phi, câu đối, biển trướng… mừng thọ, mừng nhà mới, cuốn thư, đại tự.
Cứ mỗi độ tết đến, người dân thành phố lại tìm đến nhà ông Bảy để "xin chữ, xin câu đối" về treo tết. Ông Nguyễn Hữu Bảy cho rằng nhiều người mê thư pháp bởi thư pháp hướng về tổ tiên, hướng về tổ quốc.
Bên cạnh thư pháp viết bằng chữ Hán theo phong cách Trung Hoa, trong khoảng vài năm trở lại đây, ở thành phố Vinh xuất hiện hình ảnh các chàng trai trẻ ngồi viết thư pháp Việt trên đường phố. Những bức thư pháp viết bằng tiếng Việt khá độc đáo về nét chữ lẫn về nội dung.
Người dân thành phố Vinh đi xin chữ thư pháp Hán, Việt về biếu ông bà, cha mẹ, tặng bạn bè về trang trí trong nhà tạo phong cách riêng.
Tết đến, chọn cho mình một bức thư pháp để hướng về cội nguồn, về nét đẹp truyền thống của ông cha. Người xin chữ đặt niềm tin vào sự phóng khoáng, thăng hoa của nét bút và nội dung của từng thư pháp. Đối với người cho chữ cũng vậy, họ kỳ vọng vào sức sống của thư pháp để từ đó họ có cơ hội truyền lại một nét đẹp văn hóa có từ ngàn xưa, đặc biệt là trong mỗi độ tết đến xuân về.
Lam Hà - Nguyễn Duy