Chính thức đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nam lên 62, nữ lên 60
(Dân trí) - Bộ luật Lao động (sửa đổi) chính thức được trình Quốc hội xem xét sáng nay, 29/5 với một nội dung gây nhiều tranh luận thời gian qua: tăng tuổi nghỉ hưu. Cùng với mức tăng thêm 2 tuổi với nam, 5 tuổi với nữ, luật cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 năm hoặc muộn hơn 5 năm để đáp ứng các nhu cầu khác nhau…
Nam 62 và nữ 60 tuổi mới được nghỉ hưu
Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đồng thời, dự thảo cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tăng thêm 100 giờ làm thêm/năm
Nội dung khác được Chính phủ đề xuất là quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Chính phủ giải thích, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động.
Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ), tờ trình dự án luật nêu rõ.
Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật quy định chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ. Bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ.
Luật cũng quy định trả lương cao hơn: ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết. Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động và thúc đẩy thương lượng về tiền lương phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.
Chính phủ cũng cho biết, nghị định quy định chi tiết sẽ quy định 3 nguyên tắc tổ chức làm thêm quá 200 giờ: doanh nghiệp phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ và ba là quy định rõ các ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như một số ngành nghề gia công (dệt, may, da, giày...) và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ (như chế biến nông, lâm, thủy sản).
Ngoài nội dung trên, lần sửa đổi này cũng quy định một vấn đề mới, chưa có tiền lệ về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Dự thảo bộ luật còn đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung khác như: vấn đề nghỉ Tết Âm lịch, bổ sung ngày nghỉ lễ hàng năm, điều chỉnh thời giờ làm việc trong ngày, điều chỉnh tiêu chí xác định và điều chỉnh tiền lương tối thiểu...
P.Thảo