1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chính sách hỗ trợ ngư dân: “Tắc” ở khâu thẩm định

(Dân trí) - Mặc dù Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt đã được ban hành hơn 2 tháng nhưng cho đến nay chưa có UBND tỉnh, thành phố nào phê duyệt danh sách ngư dân đạt chuẩn vay vốn ngân hàng, làm “tắc” quá trình giải ngân.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản chính thức được ban hành vào ngày 07/7/2014 được đánh giá là văn bản pháp luật đạt nhiều kỷ lục về thời gian ban hành, số lượng văn bản hướng dẫn và nội hàm nghị định (NĐ). Kể từ khi soạn thảo đến khi ban hành NĐ chỉ mất có 40 ngày. Đến nay đã có 10 quyết định và 8 thông tư liên quan được ban hành bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài chính (BTC) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm đảm bảo chính sách sớm đi vào cuộc sống. Điều này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo xát xao của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành.  Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào cho ngư dân.

Nội dung quan trọng nhất của NĐ là hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá thông qua ưu đãi vay vốn ngân hàng, điều này rất được ngư dân ủng hộ bởi chính sách hợp với lòng dân. Tuy nhiên, để vốn đến được với người dân, theo Thông tư 22 của NNHN, các ngư dân vay vốn phải nằm trong danh sách do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt sau đó mới liên lạc với ngân hàng để làm thủ tục vay vốn.

“Đến nay chưa có tỉnh nào phê duyệt danh sách ngư dân vay vốn để gửi đến ngân hàng,” ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết tại buổi Đối thoại trực tuyến “Để ngư dân yên vững vàng vươn khơi” do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay, 04/11, tại Hà Nội.

Đối thoại trực tuyến “Để ngư dân yên vững vàng vươn khơi” (Ảnh: T. Nguyên)
 
Đối thoại trực tuyến “Để ngư dân yên vững vàng vươn khơi” (Ảnh: T. Nguyên)

Đăng ký ồ ạt, xét duyệt chậm trễ

Do công tác tuyên truyền chưa rõ ràng nên đa số ngư dân rất háo hức tham gia chương trình này bởi họ muốn được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, để được vay vốn theo chương trình này thì ngư dân phải chứng minh năng lực tài chính và có kế hoạch sản xuất kinh doanh rõ ràng…

“Ngư dân hết sức nô nức, phấn khởi và háo hức được đóng tàu, vươn khơi để làm giàu và góp phần bảo vệ chủ quyền của tổ quốc…Mặc dù vậy, chúng tôi có giải thích cho dân đây không phải là chương trình xóa đói giảm nghèo, cũng không phải chương trình mang tính xã hội và đó là một chương trình làm ăn kinh tế theo hướng hiện đại hóa. Đây không phải là vốn nhà nước cho không mà đây là vốn vay ưu đãi thông qua ngân hàng để cho ngư dân tỉnh táo hơn, không bị sự phấn khởi, hồ hởi, háo hức ấy”, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng cho biết.

Theo ông Lĩnh, mặc dù chỉ tiêu Bộ NN&PTNT phân bố cho TP Đà Nẵng chỉ có 47 chiếc tàu nhưng đến đầu tháng 10, toàn thành phố Đà Nẵng có tổng 158 tổ chức và cá nhân đăng ký đóng mới là 180 tàu, trong đó có 93 tàu vỏ gỗ, 78 tàu vỏ thép. Trong số đó có 157 tàu khai thác hải sản và 23 tàu dịch vụ tàu cá. Vì vậy, UBND TP phải lựa chọn và giới thiệu đối tượng vay cho ngân hàng. TP đã có Dự thảo hướng dẫn các tiêu chí cụ thể và dự kiến sẽ ban hành vào đầu tháng 12.

Tương tự với các tỉnh, thành khác như ở Quảng Nam chỉ tiêu chỉ có 92 tàu nhưng đến nay số đăng ký đã lên tới 150.

Theo quy hoạch tổng thể về phát triển thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 110.000 tàu khai thác, trong đó có 30.000 tàu khai thác xa bờ. Đến năm 2030, sẽ duy trì ổn định số lượng tàu khai thác xa bờ ở mức 30.000 nhưng giảm tổng số tàu khai thác xuống 95.000. Số lượng tàu Bộ NN&PTNT quy định để đóng mới tàu khai thác xa bờ trong thời gian tới là 2.079 tàu để đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể Chính phủ đã phê duyệt là 30.000 tàu đến 2020.

Căn cứ vào tình hình khai thác, nghề khai thác, và trình độ khai thác của các địa phương, Bộ NN&PTNT đã phân bổ tiêu chí 2.079 tàu này cho 28 tỉnh, thành phố ven biển, do vậy có địa phương sẽ được phân bổ chỉ tiêu cao, có nơi có chỉ tiêu thấp. Sau khi phân bổ nếu địa phương có nhu cầu đóng mới lớn hơn chỉ tiêu thì chỉ được phép phê duyệt bằng tiêu chuẩn. Đến năm 2016, Bộ NN&PNTT sẽ đánh giá lại, nếu điạ phương nào chưa dùng hết chỉ tiêu sẽ chuyển cho các tỉnh khác.

Ngư dân sẽ được vay vốn ưu đãi để nâng cấp và đóng mới tàu cá vỏ sắt (Ảnh minh họa)
Ngư dân sẽ được vay vốn ưu đãi để nâng cấp và đóng mới tàu cá vỏ sắt (Ảnh minh họa)

Theo ông Tuấn việc hiện nay chưa có địa phương nào phê duyệt danh sách ngư dân đạt chuẩn vay vốn là do chính quyền 3 cấp chưa nỗ lực cao, tuyên truyền chưa tốt nên người dân chưa tự đánh giá được mình có đáp ứng được tiêu chí không mà cứ đăng ký ồ ạt.

“Đầu tiên "tắc" là truyền thông cơ sở. Tiếp theo là công tác thẩm định. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có nhiều vụ rất rõ nhưng ở nhiều địa phương hệ thống chuyên ngành thủy sản hầu như không tới mà đều do phòng nông nghiệp đảm trách, có nơi có phòng công tác thủy sản, có nơi không. Do vậy, công tác thẩm đỉnh ở dưới cơ sở gặp nhiều hạn chế. Một trong những lý do nữa là có thông tin cho rằng hiện nay Bộ NN&PTNT chưa công bố được các mẫu tàu vỏ thép nên ngư dân chưa định hình được khi đóng tàu vỏ thép thì cần bao nhiêu tiền và quy mô tham gia như thế nào. Các địa phương cũng đang chờ Bộ NN&PTNT công bố các mẫu tàu này và ngày 15/10 vừa qua Bộ đã công bố 21 mẫu tàu vỏ thép cho 4 vùng và tập trung ưu tiên cho cho 5 loại nghề gồm: rê, câu, chụp, vây và mẫu tàu dịch vụ hậu cần nghề cá”, ông Tuấn nhận định.

Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), một trong các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này, khẳng định quan hệ lần này là quan hệ vay-trả, chứ không phải cho không, Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất. Trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố là rất lớn bởi họ phải duyệt xét danh sách ngư dân đạt chuẩn vay vốn. Các ngân hàng thương mại cũng chủ động tìm hiểu ngư dân, cung cấp thông tin, giải thích để lựa chọn bà con như có năng lực tài chính… Khi Ngân hàng tìm được danh sách ngư dân thì rất mong UBND phê duyệt để ngay lập tức giải ngân và không cần quay lại thẩm định lại nữa để tiết kiệm thời gian.

Ông Tuấn cũng cho biết, hiện nay ngưỡng nguồn lợi thủy sản đã đến điểm “chặn” nên năng lực khai thác bị giới hạn. Do đó, để đảm bảo công bằng cho ngư dân thì phải dựa trên trình tự thủ tục đánh giá và xét duyệt: Xã lập danh sách, chuyển huyện thẩm định rồi chuyển tỉnh phê duyệt.

Đến nay nhiều địa phương đã ban hành các tiêu chí phù hợp với tình hình khai thác của địa phương và công bố công khai các tiêu chí niêm yết tại trụ sở chính quyền và công bố công khai người được lựa chọn. Điều này sẽ giúp chính nội bộ trong ngư dân theo dõi, đấu tranh với nhau, tránh tình trạng cò mồi, gian lận khi đăng ký.

Thảo Nguyên