Chính quyền Trung Quốc làm chúng tôi bị tổn thương
Người Hoa nào chúng tôi gặp cũng đều bày tỏ mong muốn lớn nhất là Trung Quốc hãy rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam.
Sáng 14/5, tại quán cà phê 004 lô F, chung cư Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, những người dân là người Việt gốc Hoa hàn huyên chuyện thời sự trong ngày. Trong những câu chuyện đó, nhiều nhất vẫn là chuyện liên quan đến vấn đề biển Đông.
Lên tiếng bảo vệ lẽ phải
Anh Lý Gia Kiên cho biết sáng nay khi bước chân ra đường, mẹ anh đã dặn ra đường phải nói tiếng Việt, không được nói tiếng Hoa vì sợ có người ghét những gì liên quan đến Trung Quốc mà gây gổ với anh. “Tôi nói mẹ yên tâm dù mình là người gốc Hoa nhưng đã là công dân của nước Việt Nam, đã yêu và coi Việt Nam là nơi chôn nhau cắt rốn rồi, ai nỡ làm gì mình” - anh Kiên nói.
Anh Hồng A Cường, chủ quán cà phê nói trên, nghe vậy đã tiếp chuyện: “Trung Quốc đưa giàn khoan vô vùng biển của Việt Nam là sai quá rồi. Tôi chỉ mong chính phủ Trung Quốc mau rút giàn khoan trái phép ra khỏi Việt Nam, đừng có gây gổ nữa để cho dân tình ở đây lo làm ăn, sinh sống”. Anh Cường cho biết những ngày qua quán của anh vẫn buôn bán bình thường, mọi người đến quán trò chuyện rôm rả hơn vì ai cũng mong biết thông tin ngoài khơi đã được giải quyết tới đâu rồi. Họ rất mong Trung Quốc nhanh rút giàn khoan đi.
Bà Phương Thục Phân đang khấn cho đất nước yên bình, Trung Quốc sớm rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam. Ảnh: TM
Chúng tôi đến thăm một người Hoa ở 357 Trần Hưng Đạo, quận 5. Chủ nhà, chị Phương Thục Phân, cùng những thành viên khác trong gia đình đang sửa soạn dọn cúng cho ngày 16 âm lịch hằng tháng. Chờ chị Phân khấn xong, tôi hỏi chị vừa khấn điều gì, chị bảo: “Cũng như mọi lần là mong gia đình bình an, làm ăn phát đạt nhưng lần này lời khấn của tôi có thêm là mong cho đất nước yên bình, cầu cho Trung Quốc mau rút giàn khoan về nước. So với công ước quốc tế về Luật Biển, Trung Quốc đã sai hoàn toàn rồi, đừng để kéo dài sự sai trái thêm nữa”. Bà Phân cho biết con trai tên Lạc Vĩ Bang vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hiện đang tham gia lực lượng dân quân tự vệ ở phường. “Nếu lỡ có chuyện tồi tệ nhất xảy ra, con trai tôi sẵn sàng tòng quân để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nơi nào đúng thì bảo vệ lẽ phải cho nơi đó thôi”.
Gia đình bà Tô Lương Hoa (7 Học Lạc, quận 5) hằng ngày cho thuê mặt bằng kinh doanh. Vừa gặp chúng tôi bà đã nói: “Sáng sáng tôi đi chợ, uống cà phê với mấy bà bạn trong cộng đồng người Hoa. Mấy ngày qua, tụi tôi ở đây rất bức xúc về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Có những người Hoa còn thấy căm phẫn nữa là khác”. Bà nói vì cuộc sống mưu sinh, cha mẹ bà là người Trung Quốc đã đến vùng đất này và được đùm bọc cho tới ngày nay.
Chúng tôi bị tổn thương
Bà Vương Thể Yến (18-20 An Bình, phường 5, quận 5) bày tỏ: “Ở khu phố của tôi có đến 80% dân số là người Hoa. Trong tôi có dòng máu của người Trung Quốc vì ông bà nội tôi là người Trung Quốc. Tôi cũng tự hào vì mình có hai dòng máu Việt-Trung, làm sao không yêu dòng máu ông cha mình được. Nhưng những ngày qua tôi đã rất đau lòng vì thấy chính quyền Trung Quốc quá đáng khi đi giành cái phần đất, phần nước không phải của mình, gây tổn thương cho nhiều người dân Việt Nam, trong đó có chúng tôi”.
Người Hoa nào chúng tôi gặp cũng đều có mong muốn lớn nhất là Trung Quốc hãy rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam. Họ mong một cuộc sống hòa bình, yên ấm như bao lâu nay. Họ nhắn nhủ với mọi người rằng cộng đồng người Hoa cũng như bao dân tộc khác tại Việt Nam đã yêu đất nước này từ ngày mới lọt lòng tại đây.
Hơn 34% dân số ở phường là người Hoa, đa số họ làm nghề kinh doanh. Trong công tác xã hội, người Hoa luôn đi đầu trong các phong trào chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông NGUYỄN GIA LONG, Phó Chủ tịch phường 10, quận 5 |
Theo Thanh Mận
Pháp luật TPHCM