1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chính phủ đồng ý tách huyện Từ Liêm thành hai quận

(Dân trí) - Ngày 28/11, Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng Ban Pháp chế (HĐND thành phố Hà Nội) cho biết, Chính phủ vừa đồng ý về chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm - Hà Nội thành 2 quận với 23 phường.

Ông Nam cho biết, ngày 26/11, Thường trực Chính phủ đã thống nhất chủ trương cho phép điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm, đồng thời yêu cầu thành phố thực hiện các trình tự, thủ tục, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ tại kỳ họp thường kỳ tháng 12 năm 2013. Do đó, HĐND thành phố Hà Nội kỳ này sẽ một có một phiên họp để bàn và thông qua Nghị quyết về vấn đề này.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Từ Liêm hiện nay đã ngang tầm với cấp quận
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Từ Liêm hiện nay đã ngang tầm với cấp quận

Theo ông Nam, trước mắt, Chính phủ đồng ý cho Hà Nội thành lập mới 2 quận, điều chỉnh địa giới hành chính các xã, thị trấn thuộc huyện Từ Liêm để thành lập 23 phường mới. Hiện nay, các xã và HĐND huyện Từ Liêm đang triển khai các bước theo luật định. Sau khi hoàn tất các bước, UBND thành phố Hà Nội có tờ trình HĐND thành phố sẽ xem xét.

Việc tách huyện Từ Liêm đã được thành phố Hà Nội chuẩn bị từ lâu và đến thời điểm này đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương. Từ chủ trương đó, quy trình thực hiện việc này sẽ theo đúng Nghị định 62/NĐ-CP của Chính phủ.

“Thông tin chắc chắn tới thời điểm này là sẽ thành lập 2 quận, trong đó có 23 phường. Có người hỏi tại sao có 15 xã, 1 thị trấn mà lại hình thành 23 phường? Việc này cũng phụ thuộc vào đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm. Có xã do điều kiện về mật độ, quy mô dân số hay quá trình đô thị hóa... nên cần điều chỉnh lại. Nội dung điều chỉnh thế nào rất cụ thể trong đề án và còn đang được lấy ý kiến”, ông Nam nói.

Ông Nam cho biết, tên của đơn vị hành chính mới hoàn toàn do người dân quyết định. Hiện nay, đang lấy ý kiến nhân dân và HĐND các xã đang họp triển khai việc này.

“Có nhiều phương án tên nhưng hiện nay chưa rõ chọn phương án nào. Chính phủ sẽ chốt việc này song tất cả còn đang trong quá trình lấy ý kiến”, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam nói.

Quang Phong