1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Chiến sĩ" 73 tuổi mang chân giả xung phong đứng chốt kiểm dịch

(Dân trí) - Cuộc chiến chống giặc Covid-19 càng kéo dài, khó khăn càng nhân lên. Nhưng cũng chính trong cuộc chiến gian khó ấy lại xuất hiện nhiều tấm gương cảm động, nghĩa tình.

Cựu binh già với đôi chân không lành lặn

Phải cắt bỏ chân trái sau một trận đánh truy kích địch tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 1967, anh lính Nguyễn Văn Thạo (SN 1947, ở thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chịu thương tích 61%, là thương binh hạng 2/4.

Chiến sĩ 73 tuổi mang chân giả xung phong đứng chốt kiểm dịch - 1

Cựu binh Nguyễn Văn Thạo 73 tuổi cắm chốt, ghi danh những người ra vào địa bàn trong thời điểm địa phương thực hiện giãn cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thu Trang.

Trở về cuộc sống đời thường, dù đã lắp chân giả, nhưng việc đi lại của người cựu binh này thật khó khăn, nhất là tuổi ông đã cao, sức khỏe không còn được như trước. Dù thân thể không lành lặn, nhưng ở xã Kỳ Hà, chính quyền và người dân nơi đây vẫn thường nhắc đến người cựu binh này với một sự khâm phục về lối sống nghĩa tình, tinh thần đóng góp xây dựng quê hương.

“Ở đâu có khó khăn, ở đâu cần sự chung tay góp sức vì quê hương, ở đó có bác Thạo. Ở đây ai cũng quý mến, trân trọng bác rất nhiều”- Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà Lê Văn Luyện nói về người cựu binh già.

Lối sống ấy, tấm lòng ấy của cựu binh Nguyễn Văn Thạo được ông Luyện thí dụ ngay ở việc việc ông hết lòng chung tay với địa phương phòng chống dịch  Covid-19.

Dù đôi chân không lành lặn, sức khỏe đã giảm, dù xã đã có khuyến cáo đối với người cao tuổi trên 60 nên ở nhà tránh dịch, nhưng ông Thạo vẫn xung phong tham gia ứng trực ngày đêm tại các chốt kiểm soát dịch ở địa phương.

Chiến sĩ 73 tuổi mang chân giả xung phong đứng chốt kiểm dịch - 2

 Người cựu binh già tận tâm xịt dung dịch sát khuẩn cho người dân, phun hóa chất khử khuẩn cho các phương tiện ra vào chốt kiểm soát dịch ở thôn mình.Ảnh: Thu Trang

Suốt hơn 2 tuần qua, khi 10 chốt chặn kiểm dịch của xã Kỳ Hà được mở ra, người lính già với chiếc xe đạp cũ vẫn đều đặn đúng giờ thay ca trực cho anh em. Vết thương chiến tranh còn đau đớn khi trái gió trở trời vẫn không ngăn được ý chí, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ xông pha chung tay phòng chống dịch. 

Bằng lời nói nhẹ nhàng, thuyết phục, người cựu binh già đã truyền đạt đầy đủ dễ nghe, dễ hiểu các chủ trương của Chính phủ, tỉnh, địa phương về công tác phòng chống dịch tới những người qua chốt. Ông cũng tận tâm xịt dung dịch sát khuẩn cho người dân, phun hóa chất khử khuẩn cho các phương tiện ra vào chốt kiểm soát dịch ở thôn mình. Những người quên đeo khẩu trang, ông nhẹ nhàng nhắc nhở, thậm chí đeo khẩu trang cho họ. Ông tận tâm như thế, nên ai cũng ấm lòng, tuân thủ.

Chiến sĩ 73 tuổi mang chân giả xung phong đứng chốt kiểm dịch - 3

Người cựu binh già tặng cá bắt từ ao nhà để cải thiện bữa ăn cho người dân tại Khu cách ly của xã. Ảnh: Thu Trang

Chưa hết, dù cuộc sống chưa dư giả gì nhiều, nhưng có những hôm ông còn lội bùn bắt cá trong hồ và xúc cả yến gạo để mang lên hỗ trợ cho bữa cơm của các lực lượng làm nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung ở xã thêm phần tươm tất.

“Bác Thạo khiến mọi chúng tôi hết sức nể phục. Có bác ấy chúng tôi thêm tự tin phòng chống dịch ở địa phương”- chị Lê Thị Hòa, một người dân ở thôn Nam Hà nói về cựu binh Nguyễn Văn Thạo trong những ngày phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương.

Chiến sĩ 73 tuổi mang chân giả xung phong đứng chốt kiểm dịch - 4

Ít ai biết được con người đầy trách nhiệm với sức khỏe của nhân dân, với mọi phong trào của địa phương này đã phải cắt bỏ mất một chân.  Ảnh: Thu Trang

Nói về hành động xung phong cắm chốt dịch bất chấp thương tật và tuổi tác, người lính già trải lòng: “Lúc chiến tranh chúng tôi cầm súng đánh giặc Mỹ, giữa thời bình khi Tổ quốc cần chúng tôi luôn sẵn sàng. Hơn thế nữa, các chiến sỹ tuyến đầu chống dịch mới là những người phải hy sinh rất nhiều điều riêng, phải chịu bao vất vả, phải ngày đêm đối mặt hiểm nguy. Nhìn họ, những người ở tuyến sau như chúng tôi lại phải càng góp sức thêm cho cộng đồng”.

Những cụ bà trên 100 tuổi chung tay "chống giặc"

Năm nay cụ Nguyễn Thị Lương trú thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tròn 103 tuổi, là người sống thọ bậc nhất ở xã này. Hiện cụ sống cùng gia đình con trai. Do tuổi già, sức yếu, bước đi không còn vững, đặc biệt một mắt cụ đã hỏng; nên mọi sinh hoạt cụ phải cậy nhờ con cháu của mình.

Chiến sĩ 73 tuổi mang chân giả xung phong đứng chốt kiểm dịch - 5

Cụ Nguyễn Thị Lương góp 1 triệu đồng cho xã có thêm kinh phí chống giặc Covid-19.

Là người đã chứng kiến, trải qua bao biến cố, thời khắc khó khăn của đất nước, quê hương, là người lớn lên trong sự đùm bọc, che chở của bà con lối xóm, nên cụ Lương hiểu được tình đoàn kết, tương trợ, đồng lòng lúc khó khăn. 

Cũng bởi vậy, khi nghe truyền thanh xã, con cháu kể chuyện cả nước căng mình chống dịch Covid-19, cụ không ngần ngại bảo con trai dành 1 triệu đồng tiền mừng thọ mẹ ngày Tết, cũng là tiền mua thuốc dưỡng mắt mang góp cho xã để thêm kinh phí chống dịch.

Nghe cụ phân tích số tiền đóng góp không đáng là bao, nhưng là tấm lòng, là góp thêm tinh thần, gây dựng phong trào gây quỹ cho xã, con cháu cụ phấn chấn hẳn lên. Vậy là số tiền mừng thọ dành để mua thuốc dưỡng mắt đã được cụ Lương chuyển tới Ban tiếp nhận kinh phí phòng chống xã Kỳ Bắc.

Chiến sĩ 73 tuổi mang chân giả xung phong đứng chốt kiểm dịch - 6

Cụ Lương trao số tiền 1 triệu đồng cho đại diện Ban tiếp nhận xã Kỳ Bắc

Ông Nguyễn Quốc Hoan- Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Bắc bày tỏ cảm động trước tấm lòng của cụ Lương: "Chúng tôi thực sự trân quý tinh thần, việc làm của cụ Lương. Nhờ những người như cụ mà phong trào chung tay đóng góp phòng chống dịch Covid-19 được bà con trong xã rất hưởng ứng tham gia. Mong cụ sống lâu khỏe mạnh".

Dù tuổi đã cao, nhưng cụ bà Nguyễn Thị Tửu (tên thường gọi bà Đỗng), 101 tuổi, ở phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh đã nhờ con trai rút tiền tiết kiệm mua 2 tấn gạo và liên hệ với Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh để ủng hộ cán bộ, chiến sỹ phòng chống dịch.

Chiến sĩ 73 tuổi mang chân giả xung phong đứng chốt kiểm dịch - 7

Cụ Tửu trao 2 tấn gạo cho Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh để ủng hộ cán bộ, chiến sỹ phòng chống dịch.

Nói việc về việc làm đầy trân quý của mình, cụ Tửu cười giòn: “Tui sống còn được bao năm nữa đâu, tôi muốn ngày nào còn sống là ngày đó có ý nghĩa. Tui thấy thương anh em bộ đội, công an, y, bác sỹ đang làm công tác phòng chống dịch bệnh, vì vậy tôi đã trích một phần nhỏ bé của mình ủng hộ. Tôi mong muốn mọi người mạnh khỏe chống dịch, đẩy lùi dịch bệnh để người dân được sớm trở lại cuộc sống bình thường”.

Chiến sĩ 73 tuổi mang chân giả xung phong đứng chốt kiểm dịch - 8

Việc làm của cụ Tửu sau đó đã được Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh gửi thư khen.

Không thể kể hết những tấm gương sáng như bác Thạo, cụ Tửu, cụ Lương trong phong trào chung tay đẩy lùi đại dịch tại địa bàn Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp ấy đang lan tỏa mạnh mẹ, rộng khắp, giúp cả nước vững tin trong cuộc chiến với đại dịch đầy khó khăn.

Hà Phương