1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm không “hành nghề” khi quá 40 tuổi

(Dân trí) - Dự luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng đề xuất các chức danh như chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm,... hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ từ 35-40 tuổi để đảm bảo đủ sức khỏe.

 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Báo cáo Quốc hội về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, chiều 21/10, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, để đảm bảo nguồn nhân lực cho quân đội, giảm chi phí đào tạo thay thế số quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ và phát huy được trình độ, năng lực, khắc phục tình trạng hằng năm phải kéo dài độ tuổi phục vụ tại ngũ với số lượng lớn, dự thảo luật đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm. Cụ thể, cấp uý quân nhân chuyên nghiệp thì nam giới là 52 tuổi, nữ giới là 52 tuổi; thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, trung tá quân nhân chuyên nghiệp nam là 54 tuổi, nữ 54 tuổi; thượng tá quân nhân chuyên nghiệp với nam là 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Riêng một số chức danh như chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa, dự thảo luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là từ 35 tuổi đến 40 tuổi tùy theo từng đối tượng để đảm bảo đủ sức khỏe. Khi hết hạn tuổi phục vụ thì được xem xét để chuyển sang đảm nhiệm chức danh khác.

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn quy định quân nhân chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, sức khoẻ tốt và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1-5 năm, nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng-An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với quy định hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp. “Quy định như trên sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tránh lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao và phù hợp với tính chất công việc của quân nhân chuyên nghiệp”- ông Khoa nói.

Tuy nhiên, Uỷ ban Quốc phòng-An ninh đề nghị cân nhắc để tránh mâu thuẫn, đồng thời tách thành một điều quy định cụ thể về chính sách trong việc sắp xếp, đào tạo, sử dụng các trường hợp quân nhân chuyên nghiệp là chiến đấu viên đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp nhằm xây dựng đội ngũ này thực sự là lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu “chuyên nghiệp” trong quân đội.

Thế Kha