Trà Vinh:
Chiếc ao nổi tiếng "lần đầu tiên trong lịch sử" cạn trơ đáy
(Dân trí) - Thắng cảnh Ao Bà Om (ở phường 8, TP Trà Vinh) từ lâu đã nổi tiếng với ao nước rộng lớn và hàng cây cổ thụ xanh ngắt bao bọc xung quanh. Thế nhưng, lần đầu tiên mùa khô năm nay ao cạn trơ đáy, nứt nẻ vì hạn, mặn khủng khiếp.
Ao Bà Om được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994, thuộc loại hình danh lam thắng cảnh độc đáo của tỉnh Trà Vinh. Hàng năm, nơi đây còn tổ chức các lễ, hội của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ như Chol-chnam-thmay, Dolta, Ok-om-bok…
Toàn bộ khu vực Ao Bà Om có diện tích khoảng 39.000 m2, trong đó diện tích ao hơn 10.000 m2, xung quanh là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi che bóng mát quanh năm, là điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí, du lịch rất hấp dẫn.
Người dân địa phương rất thích đến đây đi dạo xung quanh ao, ngồi hóng mát dưới những tán cây to với không gian rất thanh bình, yên tĩnh. Do ao có hình vuông nên người dân nơi đây còn gọi là ao vuông.
Nơi đây từ lâu thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, ngắm cảnh. Theo những người dân, Ao Bà Om quanh năm nước trong veo; vào mùa khô chỉ hơi cạn. Năm nay, lần đầu tiên ao cạn trơ đáy, đất nứt nẻ như đồng ruộng.
Hiện tại nhiều khóm sen đã chết nhường chỗ cho cỏ, rau đắng mọc bên những khe nứt dưới đáy hồ.
Bà Thạch Thị Thon, 59 tuổi (ngụ phường 8, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Tôi sống ở đây cả đời nhưng lần đầu tiên thấy ao trơ đáy rồi đáy ao nứt nẻ như năm nay. Bình thường vào mùa mưa, ao tích đầy nước với chiều sâu hơn 5 m nên tới mùa khô nước bốc hơi khoảng phân nửa. Nhưng năm nay gần như cạn hết”.
Theo bà Thon, hiện ao đã cạn, nhiều nơi xung quanh đất nứt nẻ chỉ còn những nơi sâu nhất có nước lấp xấp. Chỉ cần khô hạn vài ngày nữa coi như ao chẳng còn giọt nước nào. Tình trạng hạn khủng khiếp này khiến người dân nơi đây vô cùng bất ngờ.
Sóc Trăng căng mình chống hạn, mặn
Ông Hà Tấn Việt - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng - cho biết, năm 2015, mùa mưa đến muộn hơn so với năm trước khoảng 20 ngày, lượng mưa chỉ đạt từ 55,9 - 92,5% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời đoạn. Năm 2016, mặn trên địa bàn tỉnh xâm nhập khá sớm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Hiện nay xâm nhập mặn đã vào sâu nội đồng ở Sóc Trăng khoảng 65km, cao hơn so với nhiều năm trước.
Sở NN&PTNT Sóc Trăng đang trình UBND tỉnh này công bố thiên tai do ảnh hưởng bởi hạn, mặn trên địa bàn.
Ghi nhận của PV, tại huyện Trần Đề, nông dân đang thu hoạch đại trà vụ lúa Đông Xuân nhưng do nước trên các sông rạch cạn kiệt nên khó khăn trong việc đưa máy móc xuống ruộng cũng như vận chuyển lúa khiến cho giá thành tăng cao hơn so với trước. Đồng thời, thương lái mua lúa cũng không thể đưa ghe tàu có trọng tải lớn vào tận ruộng nên tình hình tiêu thụ lúa, hàng hóa cũng gặp khó khăn.
Ở huyện Kế Sách có 11.558ha lúa được xuống giống. Tổng diện tích thiệt hại do mặn xâm nhập của huyện trên 750ha.
Chị Sơn Thị Huỳnh Ny (ngụ phường 5, TP Sóc Trăng) chỉ vào ruộng lúa đang “ngâm mình” trong nước mặn, chết gần hết, xót xa nói: “Hồi đầu tui cố gắng bơm nước vào với hy vọng cứu được nhưng càng bơm thì lúa càng chết dần nên bây giờ phải bỏ luôn”.
Còn ông Liêng Văn Phước (ngụ xã Trường Khánh , huyện Long Phú) cho biết: “Tôi xuống giống trên 8.000m2 lúa nhưng hư hoàn toàn do nhiễm mặn quá sớm. Hồi đầu tôi cũng bơm nước cho lúa nhưng theo dõi thông tin nhiễm mặn trên sông nên tôi không bơm nữa vì nếu có bơm cũng không cứu được”.
Không chỉ lúa bị ảnh hưởng, ở huyện Long Phú cũng đã có hàng trăm ha mía đang thiếu nước trầm trọng khiến cho nhiều ruộng mía không thể đẻ nhánh, trở nên còi cọc và có nguy cơ bị chết trắng.
Theo ông Hà Tấn Việt- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn từ ngày 22 đến 28/2/2016 vẫn diễn biến phức tạp. Độ mặn tại các điểm đo trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh tiếp tục tăng mạnh trong 3- 4 ngày đầu, sau đó sẽ duy trì ở mức cao cho đến cuối tháng. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh ở mức cấp 2.
Trước tình hình nắng hạn và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp như hiện nay và vào các tháng sắp tới, về lâu dài, năm 2016, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành rà soát, có kế hoạch nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh thủy lợi, cống ngăn mặn với tổng kinh phí khoảng 392 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí chống hạn, mặn cho tỉnh là 219 tỷ đồng.
Bạch Dương
Minh Giang