Kiên Giang công bố thiên tai trên toàn tỉnh

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của hạn, mặn, toàn tỉnh Kiên Giang đã có hơn 34.000 ha lúa vụ mùa và đông xuân thiệt hại. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã công bố thiên tai trên toàn tỉnh và làm các thủ tục giải ngân 150 tỷ đồng hỗ trợ nông dân có lúa bị thiệt hại.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Quang Củi – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, hôm qua Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng chủ trì làm việc nghe báo cáo tình hình thiệt hại sản xuất lúa vụ Mùa và vụ Đông Xuân 2015 – 2016 và biện pháp khắc phục, hỗ trợ thiệt hại. Tại buổi họp này ngành nông nghiệp đã có báo cáo về tình hình thiệt hại do hạn mặn và nếu tính đến thời điểm hiện tại tổng diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn (vụ mùa và đông xuân) trên 34.000 ha của 18.125 hộ dân tập trung nhiều ở các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, Hòn Đất… Với diện tích bị ảnh hưởng này, phải cần chi 150 tỷ đồng để hỗ trợ cho bà con nông dân.

Tại cuộc họp, ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch tỉnh Kiên Giang đã có chỉ đạo các sở ngành, trong đó ngành nông nghiệp là chủ đạo cần rà soát lại số hộ, diện tích và mức độ thiệt hại cho chính xác để báo cáo với Trung ương xin kinh phí hỗ trợ cho người dân. Đồng thời sau khi rà soát lại diện tích thiệt hại cần công bố danh sách công khai tại địa phương để việc hỗ trợ cho người dân khách quan, minh bạch…

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Kiên Giang trong vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2015 -2016 có trên 34.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Kiên Giang trong vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2015 -2016 có trên 34.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn

Mặt khác, ông Hồng còn chỉ đạo các ngành cần tập trung vào việc chống hạn, mặn phải theo dõi, dự báo chính xác, kịp thời các hiện tượng khí tượng thủy văn như mực nước đầu nguồn, nước biển, khí tượng… để có giải pháp phòng chống, ứng phó hiệu quả; Về hạ tầng thủy lợi, nhất là việc đắp ngăn mặn các kênh phải dựa trên cơ sở kế hoạch tổng thể chung của tỉnh, tránh tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương;

Quản lý và vận hành các hệ thống cống phù hợp, linh hoạt và kịp thời phục vụ cho sản xuất; Đưa những giống lúa sản xuất phù hợp với từng vùng, phù hợp với nhu cầu của thị trường và cần khuyến cáo rộng rãi trong nhân dân biết; Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật cho người dân…

Trước tình trạng hạn, mặn đang gay gắt diễn ra ở nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL, nhiều tỉnh tập trung vào các công tác nạo vét, đê điều... ngăn chặn nạn xâm ngập mặn
Trước tình trạng hạn, mặn đang gay gắt diễn ra ở nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL, nhiều tỉnh tập trung vào các công tác nạo vét, đê điều... ngăn chặn nạn xâm ngập mặn

Về việc hỗ trợ cho người dân, ông Củi thông tin thêm hiện tại ngành nông nghiệp đã có thống kê và đang phối hợp với các sở, ngành để làm đúng các thủ tục theo qui định của nhà nước về việc hỗ trợ cho người dân sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai… để bà con có vốn tái sản xuất.

Theo ngành nông nghiệp Kiên Giang, ngoài vụ Mùa và vụ Đông Xuân bị thiệt hại, vụ Hè Thu, Thu Đông và rau màu năm 2015 bị thiệt hại với diện tích 29.701 ha; kinh phí dự kiến hỗ trợ thiệt hại 84,840 tỷ đồng. Tổng kinh phí để hỗ hợ diện tích lúa bị thiệt hại qua các vụ trên 235 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của các địa phương, diện tích bị thiệt hại vụ Mùa và Đông Xuân 2015 – 2016 còn tăng hơn so với diện tích bị thiệt hại đã nêu trên.

Nguyễn Hành