Chỉ được mang thai hộ một lần trong đời
(Dân trí) - Luật Hôn nhân và Gia đình được Văn phòng Chủ tịch nước công bố ngày 10/7 nêu rõ, mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo; người được nhờ mang thai hộ đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần trong đời.
Người mang thai hộ phải là người đã làm mẹ
Luật Hôn nhân và Gia đình được công bố ngày 10/7 cũng xác định con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Luật cũng quy định cụ thể điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Luật cũng đưa ra điều kiện vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng người nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ đã có chồng thì phải có sự đồng thuận bằng văn bản của người chồng.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.
Chính thức cho phép lực lượng hải quan sử dụng vũ khí
Theo Luật Hải quan, cơ quan hải quan, công chức hải quan được trang bị, sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, cờ hiệu, pháo hiệu, đèn hiệu, thiết bị quan sát, soi chiếu, công nghệ sinh hoá, thiết bị cơ khí, điện, điện tử và các phương tiện khác theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Việc trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Sửa quy định phải đăng ký để giữ quốc tịch
Điều 13, Luật Quốc tịch Việt Nam số 24/2008/QH12 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua nêu rõ: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ gì chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác minh có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.
Quang Phong