Chính thức cho phép mang thai hộ
(Dân trí) - Nội dung “gai” nhất trong dự thảo luật Hôn nhân & gia đình sửa đổi về việc cho phép mang thai hộ đã đủ số phiếu quá bán khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật này chiều 19/6. Vấn đề hôn nhân đồng giới được đưa ra ngoài phạm vi điều chỉnh của luật.
Trước khi Quốc hội biểu quyết về dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai được dành thời gian trình bày bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý lần cuối dự thảo luật. Bà Mai cho biết, do vấn đề cho phép mang thai hộ vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều nên UB Thường vụ Quốc hội đã tổ chức xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu.
Kết quả xin ý kiến trước khi dự thảo luật được đưa ra Quốc hội biểu quyết thể hiện, có 59,1% đại biểu tán thành việc cho phép mang thai hộ. Căn cứ trên đa số ý kiến đại biểu, đại diện cơ quan thẩm tra luật cho biết, UB Thường vụ Quốc hội quyết định đưa nội dung này vào dự thảo luật.
Việc cho phép mang thai hộ mở ra cơ hội làm cha mẹ cho nhiều cặp vợ chồng (ảnh minh hoạ).
Bà Mai nhấn mạnh, việc cho phép mang thai hộ là biện pháp nhân đạo giúp cho những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai, sinh con được ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản có cơ hội làm cha mẹ. Các quy định để đảm bảo việc mang thai hộ đúng với mục đích nhân đạo, không bị thương mại hoá, quy định về hợp đồng, về xử lý các tranh chấp phát sinh… được giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo luận, Quốc hội cũng biểu quyết riêng về Điều 95 - Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (gồm 5 khoản) này. Kết quả, có 298/431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (tương đương 59,64% tổng số đại biểu). Điều luật này như vậy đạt đủ điều kiện để được thông qua.
Vấn đề gây nhiều tranh luận khác là việc không cấm hôn nhân đồng giới, báo cáo giải trình tiếp thu nêu nhận định, việc chung sống giữa 2 người cùng giới tính không gọi là hôn nhân. Vì vậy, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng việc này không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật.
Kết quả biểu quyết về 2 điều luật liên quan vấn đề này là Điều 2 - Những nguyên tắc về chế độ hôn nhân gia đình (gồm 5 khoản) và Điều 8 – Điều kiện kết hôn (gồm 2 khoản) đều nhận được số phiếu tán thành cao, chiếm trên 80% tổng số đại biểu.
Toàn văn dự thảo luật gồm 10 chương, 133 Điều được biểu quyết sau đó cho kết quả, 396/437 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (tương đương 79,52%). Còn 30 đại biểu không tán thành và 11 đại biểu không biểu quyết. Quốc hội chính thức thông qua luật Hôn nhân & gia đình sửa đổi.