Mang thai hộ ẩn chứa nhiều hậu quả cho trẻ?
(Dân trí) - Mang thai hộ chính thức đi vào luật. Thuyết phục được Quốc hội vì tinh thần nhân đạo tốt đẹp, nhưng vấn đề này vẫn nhận không ít băn khoăn về những hậu quả khôn lường khi ý nghĩa nhân đạo khó xác định được từ góc độ của đứa trẻ sinh ra…
Chiều 19/6, Quốc hội thông qua luật Hôn nhân & Gia đình sửa đổi. Đề xuất cho phép mang thai hộ đến phút cuối cùng vẫn làm “nóng” hội trường khi tỷ lệ phiếu tán thành cho nội dung này chỉ hơn quá bán đôi chút, không cao tuyệt đối như thông lệ.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý lần cuối dự thảo luật trước khi trình Quốc hội quyết định của UB Thường vụ Quốc hội cũng thể hiện nhiều tâm tư, lo lắng về nội dung này.
Số không ít ý kiến khác lại không đồng ý quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chưa rõ, vì tính bức xúc và tính khả thi không cao. Một số ý kiến cho rằng, chưa nên quy định mang thai hộ trong điều kiện hiện nay vì chưa có khảo sát, đánh giá về nhu cầu thực tế. Việc mang thai hộ ẩn chứa nhiều hậu quả khôn lường và chưa xem xét ý nghĩa nhân đạo từ góc độ của đứa trẻ.
Theo số lượng thống kê, hiện nay có trên 700.000 cặp vợ chồng không có điều kiện sinh con, muốn được làm cha, làm mẹ. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đáp ứng được mong muốn của các cặp vợ chồng hiếm muộn. |
Các điều kiện để được thực hiện kỹ thuật này, theo đó, rất chặt chẽ. Các cặp vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ cũng chỉ trong diện là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; đang ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng…
Đi sâu vào những nội dung này, có đại biểu vẫn đề nghị bổ sung điều kiện “vợ, chồng đang trong quan hệ hôn nhân hợp pháp” mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể “độ tuổi phù hợp” với người mang thai hộ, yêu cầu bổ sung quy định xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ tại thời điểm khám...
Về việc lường trước các vấn đề có thể xảy ra để đảm bảo quyền của đứa trẻ sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ, luật cũng quy định hướng giải quyết tranh chấp trong quá trình mang thai hộ như buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con; quy định nghĩa vụ của người mang thai hộ phải giao con cho bên nhờ mang thai hộ; quy định quyền ưu tiên nhận đứa trẻ làm con nuôi trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ qua đời hoặc mất năng lực hành vi dân sự…
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung quy định bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chứng minh khả năng tài chính để chi phí cho quá trình mang thai hộ và nuôi con; đề nghị thực hiện ký quỹ bằng một khoản tiền nhất định để đảm bảo quyền lợi cho đứa trẻ sinh ra.
Khi vợ hoặc chồng của bên nhờ mang thai hộ còn sống thì bên nhờ mang thai hộ phải nuôi đứa trẻ. Nếu cả vợ và chồng chết thì Tòa án chỉ định người giám hộ và quy định rõ trách nhiệm cấp dưỡng cho đứa trẻ.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định quyền được biết thông tin về người mang thai hộ của đứa trẻ sau này…
Vượt qua tất cả những lo lắng, băn khoăn, cân nhắc như vậy, nội dung này vẫn được thông qua, hy vọng và tinh thần nhân đạo, hướng thiện đã vượt lên. Thêm một cơ hội làm cha làm mẹ được mở ra cho tất cả các cặp vợ chồng, cơ hội để có thêm những gia đình trọn vẹn với tiếng khóc, cười của con trẻ.
P.Thảo