(Dân trí) - Kiệt quệ tài chính, "nhập nhằng" quy định về quê đón Tết Nguyên đán của từng địa phương do dịch Covid-19…, khiến nhiều người lao động nghèo buộc phải ở lại Sài Gòn.
(Dân trí) - Kiệt quệ tài chính, nhập nhằng quy định về quê đón Tết nguyên đán của từng địa phương do dịch Covid-19…, nhiều người lao động nghèo buộc phải ở lại Sài Gòn.
"Làm một năm thưởng một tháng lương, đó là điều cơ bản để tất cả tụi em tiếp tục gắn bó với công ty sau Tết" - Nguyễn Thị Huyền (27 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM) nói chắc nịch về số tiền sẽ được nhận vào 19 tháng Chạp để trở về quê.
Cô gái trẻ làm công nhân được giáp năm cho một xưởng may tư nhân tại xã Xuân Thới Thượng. Ngày 10/12, nghĩ có thêm khoản thưởng Tết, Huyền dằn một ít chi phí sinh hoạt, còn lại gửi toàn bộ tiền về quê trả món nợ mượn đợt dịch Covid-19.
Thế rồi, 16 giờ ngày 21/1, toàn bộ kế hoạch của cô vỡ tan tành.
"Ông chủ nói với cả trăm công nhân, dịch bệnh Covid-19 khiến công ty thua lỗ, sẽ không có tiền thưởng. Mọi người ai muốn có tiền ông ấy sẽ cho ứng, nhưng sau Tết trừ liền. Nghe xong, cả nhà máy ngừng sản xuất, mệt mỏi, chán chường…" - Huyền vừa nói, vừa chỉ vào túi áo chỉ còn vài trăm ngàn.
Năm 2019, sau nhiều vụ lúa thất bát, hai vợ chồng Huyền dắt díu nhau từ Phú Yên vào TPHCM với mong ước đổi đời. Thế rồi, hơn 2 năm, họ ở thuê hết khu trọ này đến khu trọ khác, đi hết công ty này đến công ty khác... làm công nhân.
"Không học hành, không tay nghề, cuộc sống vẫn vậy, là một vòng luẩn quẩn" - Huyền khẳng định. "Ở quê tháng em may được 2 triệu nhưng chi phí ít, lên Sài Gòn được 4 triệu nhưng xăng xe, nhà cửa, ăn uống… chẳng đâu thấm vào đâu".
Tháng 6, dịch Covid-19 bùng phát tại huyện Hóc Môn, xưởng may đột ngột đóng cửa. Lúc đó, Huyền bảo, toàn bộ cuộc sống gia đình dựa hoàn toàn vào từ thiện.
Sang tháng 9, cô gái trẻ gọi điện về quê mượn 5 triệu đồng để trả phí thuê trọ trước đó. Cuối tháng 10, xưởng may mở trở lại, Huyền cứ ngỡ sẽ có thể đi làm trả đủ món nợ trước Tết. Thế rồi, một tuần sau, toàn bộ công nhân mắc Covid-19, xưởng may lại tiếp tục đóng cửa.
"Đó là chuỗi ngày đen tối nhất. Công ty không có hỗ trợ. Cả dãy trọ đều F0, tự cách ly tại nhà. Con gái em năm nay hơn 7 tuổi, nhưng em chưa dám cho đi học vì không đủ tiền" - Huyền nói.
Đợt dịch thứ 4 (27/4 đến nay) đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng. Hơn 9,1 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó 540.000 lao động bị mất việc và thiếu việc làm.
Báo cáo từ công đoàn các doanh nghiệp TPHCM, số công nhân ở lại địa phương dịp Tết Nguyên đán 2022 tăng gần 130.000 người (khoảng 30%) so với năm trước. Một số đơn vị như khu công nghiệp, chế xuất có hơn 98.000 người; quận Bình Tân là 55.000 người; quận 12 hơn 35.000 lao động chấp nhận đón Tết tại chỗ.
Lần đầu tiên Huyền thấy một ngày cuối năm lạ lùng đang diễn ra. Thay vì dân dãy trọ lũ lượt kéo nhau về quê sau chiều làm việc cuối cùng, năm nay, toàn bộ nơi cô trọ đều chấp nhận ở lại. Buổi tối, Huyền gọi điện về nhà: "Tết này con cùng cháu ăn Tết Sài Gòn, không về được", mẹ cô buồn lắm.
Quê vợ chồng ông Trương Văn Út (50 tuổi) ở Sóc Trăng, chỉ cách TPHCM hơn 200 km đi xe máy. Thế nhưng, hai năm nay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Út chưa bao giờ dám nghĩ đến hai từ đoàn tụ.
Nhớ con, tháng 10, khi TPHCM vừa mở cửa, ông vội vàng đón xe lên thành phố. Cả gia đình ông sống trong căn trọ ọp ẹp rộng 15m2. "Thế rồi thằng bé đi đụng cái chén cũng đạp cái chén, đụng cái xô cũng đạp cái xô, đụng mẹ nó nó đạp lên bụng mà bước ngang qua" - ông Út nhớ lại.
Nghĩ con trai bị cận nên ông Út đưa đi bệnh viện. Bác sĩ nhìn lớp sương mờ đục phủ toàn bộ 2 con mắt rồi kết luận: Viêm màng bồ đào, có thể mù lòa. Ông khóc.
"Đợt dịch Covid-19, vợ chồng thất nghiệp, rồi F0, rồi không được công ty trợ cấp… bao nhiêu xui xẻo đó chưa đủ mà giờ con còn bị thêm bệnh hiểm nghèo. Mỗi tuần tôi phải đưa cháu đi viện hết 1,2 triệu. Ăn không dám ăn nhưng mua chai thuốc hơn 300.000 đồng. Nghe công ty không thưởng Tết nữa là tôi biết chắc năm nay chẳng về được quê, lo bàn thờ cho ba má" - ông Út nói.
Không chỉ gánh nặng tài chính mà quy định hướng dẫn người dân về quê không đồng nhất giữa các địa phương cũng là nguyên nhân khiến lao động lựa chọn ở lại TPHCM dịp Tết nguyên đán.
Nửa tháng trước Tết, chị Nguyễn Thị Út (34 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Thương, huyện Hóc Môn) lo lắng không yên vì "ma trận" thông tin trên mạng xã hội. Đến khi mẹ chị quả quyết Bình Định bắt buộc người dân phải theo dõi sức khỏe tại nhà, vợ chồng chị hụt hẫng vô cùng.
"Đây đã là Tết thứ 2 gia đình tôi không cùng nhau về quê. Buồn lắm chứ! Má vừa cúp máy, chồng tôi liền gật đầu đồng ý sẽ đi giữ bãi xe xuyên 3 ngày mùng 1, 2, 3".
Tối 21/1, sau khi nghe phóng viên báo, Sở Y tế Bình Định sẽ không quy định cách ly, hay hạn chế đi lại đối với người về quê, chị Út tiếc rẻ mãi. "Giờ vé xe đã đắt, chồng cũng nhận lời người ta, thôi thì mình không có duyên. Anh đi coi bãi xe, ăn ngủ tại đó, vậy là hết Tết" - chị Út tâm sự.
Hỏi ông Út dự tính gì ngày Tết? Ông chỉ ngay vào cái chân què, cười lớn: "Chính đây chứ đâu!".
Chiếc chân sinh ra đã què khiến cả đời ông Út mang tiếng khuyết tật, không thể di chuyển nhiều, không làm được việc nặng và hay đau nhức khi trái gió trở trời. Thế nhưng, với ông, nó là một điều "may mắn".
Lần đầu tiên, nó giúp ông cưới được người vợ lành lặn vì thương cái chân què. Lần thứ 2, nhờ nó mà đợt dịch Covid-19 vừa rồi, các nhà từ thiện chú ý, tham gia cứu trợ hơn hẳn các gia đình khác cùng xóm trọ. Và lần thứ 3 là dịp Tết Nguyên đán này: Ông Út dự tính sẽ đi bán vé số, chiếc chân què là "cần câu cơm" khiến ông có thể lấy lòng thương và tiền boa của mọi người.
Cuối tháng 10, anh Nguyễn Quốc Sinh (36 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) quyết định đón vợ và 2 con cùng lên Sài Gòn. "Gần Tết, mọi người đều tất bật làm ăn. Đó là thời điểm dễ kiếm tiền" - anh giải thích về quyết định táo bạo này.
Vợ chồng anh Sinh mượn gia đình vài triệu đồng để thuê hẳn một căn nhà làm nơi giữ trẻ con. Ban ngày, anh Sinh học thêm sửa đồng hồ. Ban đêm, vợ chồng lại tỷ mẩn ngồi dán hộp giấy đựng quà Tết với giá 550 đồng/hộp.
Quê anh Sinh ở ngay Bình Dương và đây là năm đầu tiên anh không về quê ngày Tết. "Còn cái nợ ba má, Tết không có tiền biếu tặng mà lại còn làm phiền thêm gia đình thì ngại lắm" - anh Sinh cười.
Tết Nhâm Dần này, chị Võ Thị Thảo (34 tuổi, vợ anh Sinh) dự tính mua ít bánh kẹo cho 2 đứa con đỡ nhớ Tết quê. Riêng anh Sinh thì đã đặt cọc đi bán vé số. Thời điểm nhà nhà người người sum vầy, anh Sinh nghĩ đó là cơ hội giúp vợ chồng có thể trả món nợ và trụ lại được Sài Gòn sau Covid-19.
"Chỉ cần mỗi buổi trở về, có mâm cơm ăn cùng gia đình thì ở đâu cũng được. Dẫu biết trước là chán, vì Sài Gòn còn mấy người tha hương…" - anh Sinh cười, một nụ cười rất buồn.
Nội dung: Quốc Huy
Ảnh: Hải Long
Thiết kế: Nguyễn Vượng